1.2 Dự kiến trước các câu hỏi


Xây dựng cuộc phỏng vấn của bạn theo cách sao cho kể cả nếu cuộc phỏng vấn không diễn ra như bạn hy vọng thì bạn vẫn thu được một số thông tin cần thiết.

  1. 1.   Khởi động (thiết lập mối quan hệ hoặc liên kết lẫn nhau giữa người phỏng vấn với người được phỏng vấn)
  2. 2.   Thông tin cơ bản, bao gồm xác nhận các thông tin đã biết
  3. 3.   Câu hỏi ‘Mềm’
  4. 4.   Câu hỏi “Khó”

Ước tính xem nguồn tin sẽ cần bao nhiêu thời gian để cảm thấy thoải mái và sẵn sàng mở lòng trao đổi với bạn. Tuy nhiên, hãy cố gắng giữ cho các giai đoạn đầu của cuộc phỏng vấn ngắn và nhẹ nhàng – phù hợp với các yêu cầu lịch sự văn hóa – và đi vào nội dung chính nhanh nhất có thể. Hãy chắc chắn rằng cuộc phỏng vấn của bạn tuân thủ cấu trúc logic bằng cách thiết lập các thông tin để làm cơ sở cho những câu hỏi khó hơn về sau. Câu hỏi của bạn phải dễ hiểu, rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề chính. Nhiều câu hỏi ngắn tiếp nối nhau sẽ tốt hơn một câu hỏi dài, lan man khiến nguồn tin của bạn bối rối không hiểu. Trước cuộc phỏng vấn, hãy xem xét lại lần lượt từng câu hỏi.

Một số lời khuyên:

  • > Tránh các câu hỏi gộp. Ví dụ: Thưa Bộ trưởng, ông có biết về sự bất thường trong đấu thầu không, ông có giám sát quá trình này không và tại sao ông lại làm những việc này và việc này… để nhận được hợp đồng? Bạn sẽ chỉ nhận về câu trả lời cho một phần của câu hỏi gộp đó – thường là phần mà nguồn tin của bạn thực sự muốn thảo luận.
  • > Tránh câu hỏi phủ định kép, gây ra sự lúng túng cho người được phỏng vấn. Ví dụ: Không phải sự thật là ông đã không trả lại tiền sao? Những câu hỏi như vậy có thể mang hàm ý về một câu trả lời liên quan đến tiền bạc, hoặc là để xác nhận tính trung thực của tuyên bố đưa ra trong câu hỏi. Hãy hỏi: “Có đúng là ông đã không trả lại tiền không”? đơn giản và rõ ràng hơn nhiều; thậm chí tốt hơn nữa là: “Ông đã trả lại tiền chưa?”
  • > Có các câu hỏi với mục đích để xác nhận thông tin. Đây là những câu hỏi mà bạn đã biết câu trả lời. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn có các thông tin cơ bản và cho bạn cảm nhận được độ chính xác của nguồn tin. Nếu người được phỏng vấn của bạn ngạc nhiên do câu hỏi đơn giản quá thì đừng bận tâm. Dù không nhất thiết phải làm nhưng bạn có thể giải thích rằng độc
    giả cần nghe một lời giải thích trực tiếp từ nguồn tin chứ không phải từ bạn. Lưu ý sự khác biệt với các câu hỏi đóng (những câu hỏi để nhận về câu trả lời có hay không)
  • > Có các câu hỏi mở. Những câu hỏi này nhằm khuyến khích nguồn tin giãi bày các ý tưởng của họ. Câu hỏi mở mang lại cho bạn màu sắc thông tin và những câu chuyện tự sự; câu hỏi kín giúp bạn lấy thông tin về bối cảnh cho phóng sự – hãy kết hợp cả hai dạng câu hỏi này trong một cuộc phỏng vấn.