4. Đối phó với sự do dự và sợ hãi

4. Đối phó với sự do dự và sợ hãi


Trong nhiều trường hợp, người được phỏng vấn có lý do chính đáng khiến họ rất sợ trả lời phỏng vấn của báo chí. Ở nhiều quốc gia, các cơ quan báo chí “không về phe với chính phủ” và người cung cấp thông tin cho các toà soạn này phải đối mặt với sự quấy rối hoặc tệ hơn thế. Ngoài ra, rất có thể người được phỏng vấn đã trải qua những sang chấn tâm lý khiến họ không muốn nhớ lại hoặc sợ phải chịu những hậu quả khác như sự kỳ thị hoặc những lời đồn đại từ cộng đồng của họ nếu thông tin được đưa lên báo chí. Sự kiên trì, nhẹ nhàng của phóng viên có thể mang lại kết quả xứng đáng, nhưng thường thì cách tốt nhất để thuyết phục một nguồn tin còn do dự là có được một mối liên hệ đáng tin cậy để thuyết phục người đó.

Hãy tìm hiểu về những nỗi sợ hãi của người được phỏng vấn đồng thời đưa ra những đảm bảo để họ yên tâm và đồng ý thực hiện cuộc phỏng vấn. Điều này có thể có nghĩa là bạn cần xác nhận với tổng biên tập về những biện pháp bảo vệ có thể thiết lập trước khi bạn tiến hành phỏng vấn bởi vì bạn không thể hứa hẹn những điều bạn không thực hiện được.

Cần có sự chấp thuận trước khi đăng bài

“Đồng ý sau khi được giải thích” không có nghĩa là bạn chỉ hỏi: “Anh/chị có vấn đề gì nếu chúng tôi công bố những nội dung đã chia sẻ không?” Mà điều này có nghĩa là người được phỏng vấn hiểu rõ những hậu quả có thể xảy ra sau khi thông tin được công bố, hiểu rõ những nguy cơ rủi ro, và những biện pháp bảo vệ có thể (hoặc không thể) được thực hiện, và đồng ý công bố toàn bộ thông tin. Đừng khiến các nguồn tin của mình sợ hãi, tuy nhiên cũng đừng giấu diếm họ về những hậu quả có thể xảy ra. Phóng sự của bạn sẽ trở nên có sức thuyết phục hơn khi có nhiều người sẵn sàng đưa câu chuyện của mình ra công luận. Các cuộc trò chuyện này giúp gắn kết mối quan hệ của bạn với các nguồn tin. Đổi lại, điều này sẽ mang lại những cuộc trò chuyện trung thực hơn, kể cả việc một số người cuối cùng vẫn muốn ẩn danh.

Đồng cảm chứ không thương hại

Những bình luận như: “Ôi, thật kinh khủng. Khổ thân anh/chị quá!” sẽ khiến nguồn tin của bạn mất tự tin và có thể làm cho họ cảm thấy yếu đuối và bất lực. Hãy mang lại một không gian an toàn để nhân vật chia sẻ câu chuyện của họ. Bạn cần thể hiện thái độ trung lập, phong thái cởi mở, lắng nghe và dành thời gian cho nhân vật suy nghĩ hoặc làm chủ cảm xúc của mình. Thường xuyên phản hồi với sự khích lệ. Hãy gật đầu và nói: “Vâng, anh/chị nói tiếp đi…” hoặc “Xin hãy kể tiếp cho tôi nghe”. Việc đưa tay ra trấn an, vỗ về cánh tay của người được phỏng vấn không có gì sai cả nếu điều đó phù hợp văn hoá. Hãy để bản năng con người dẫn dắt bạn.

Biết khi nào cần ngừng ghi chép

Đôi khi, nguồn tin sẽ cảm thấy bận tâm với việc ghi chép của bạn và điều đó khiến họ mất tập trung khi nói. Nếu câu hỏi động chạm đến các vấn đề nhạy cảm thì bạn hãy lắng nghe. Việc ghi chép có thể để sau.

Thế hiện sự tôn trọng

Đừng vội vàng đặt câu hỏi và đừng khai thác câu trả lời từ nguồn tin bằng cách nói gây giật gân. Cố gắng đặt mình vào vị trí của người được phỏng vấn và đảm bảo rằng các câu hỏi của bạn không vô cảm.

Hãy nghiêm khắc

Mặc dù cần sự nhạy cảm, bạn vẫn phải đặt những câu hỏi khó. Khi một người nói với bạn rằng họ là nạn nhân của sự tra tấn thì điều đó không nhất thiết đúng là như vậy. Hãy cảnh giác với những người phóng đại, hoặc những người phủ nhận những trải nghiệm đau thương đã xảy ra với họ. Hãy nói rõ rằng bạn không thể viết về trường hợp của họ nếu bạn không tự tin về tính chính xác của câu chuyện họ kể. Đừng bỏ qua bước kiểm tra chéo thông tin giống như ở các thể loại phỏng vấn khác.


Đặt câu hỏi đúng sẽ giúp bạn xác định được là mình có phóng sự để thực hiện hay không. Nhưng điều quan trọng hơn là phải viết về sự việc một cách đầy đủ khi đưa phóng sự ra công chúng. Chương tiếp theo sẽ thảo luận về cách sắp xếp các thông tin đã thu được để tạo nên một phóng sự hấp dẫn.