1. Báo chí điều tra là gì?


Hồ sơ Panama (The Panama Papers). Loạt phóng sự của Boston Globe phanh phui những vụ lạm dụng tình dục có hệ thống trong Giáo hội Công giáo Mỹ. Vụ bê bối chính trị Watergate. Khi nói về báo chí điều tra thì đây là một vài ví dụ chúng ta lập tức nghĩ đến. Đó là các vụ việc gây sốc, tiết lộ các thông tin mới, và thường châm ngòi cho sự thay đổi– kể cả chỉ là từng bước.

Nhưng điều gì khiến cho cho những câu chuyện có sức công phá này trở thành báo chí điều tra?

Như nhà văn người Anh, George Orwell, đã nói: “Báo chí đăng những gì một số người khác không muốn công bố: còn lại mọi thứ khác chỉ là PR”. Tuy nhiên, trong khi hầu hết báo chí, thậm chí là tin nóng hàng ngày đều đòi hỏi phải có các yếu tố điều tra, thì báo chí điều tra có đặc trưng riêng là cần nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian dài – có thể cần đến nhiều tháng hoặc nhiều năm để nghiên cứu một đề tài.

Các phóng viên điều tra lần theo một nguồn tin và từ đó có thể phanh phui ra những vụ tham nhũng, đánh giá các chính sách của chính phủ hoặc doanh nghiệp, hoặc thu hút sự chú ý đến các xu hướng xã hội, kinh tế, chính trị hoặc văn hóa. Trong khi các phóng sự thông thường được bắt đầu bằng các tài liệu do một tổ chức nào đó cung cấp – chẳng hạn như một thông báo từ chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ – thì phóng sự điều tra chủ yếu xuất phát từ một sáng kiến ​​của phóng viên. Có thể phóng viên đó nhận được một email ẩn danh chứa hàng trăm tệp tài liệu đính kèm chưa được xác minh; có thể một đầu mối liên lạc được duy trì đã lâu thông báo một tin đồn về toan tính của tập đoàn nào đó. Trong mọi trường hợp, mục đích của báo chí điều tra là phơi bày những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích công được che giấu, dù cố tình hay không.

Một lời khuyên hữu ích để hiểu thế nào là “lợi ích công” là hãy trả lời câu hỏi: Cộng đồng có bị thiệt thòi nếu thông tin này không được đưa ra ánh sáng hay không, hay nó sẽ có lợi hoặc về vật chất, hoặc giúp người dân đưa ra được quyết định có sự suy xét kỹ càng trên cơ sở những thông tin báo chí đưa. Có những trường hợp, thông tin có lợi cho một nhóm này nhưng lại gây bất lợi cho nhóm khác. Ví dụ, người dân sống dựa vào rừng có thể đòi được giá tốt hơn cho gỗ của họ nếu họ biết giá trị gỗ trên thị trường trong khí mà các công ty khai thác gỗ chỉ muốn dìm giá xuống. Đương nhiên, ngành khai thác gỗ sẽ không muốn thông tin đó bị công khai, vì giá gỗ sẽ tăng. Những bài báo liên quan đến lợi ích công không nhất thiết ảnh hưởng đến cả một quốc gia, và khi có ảnh hưởng thật, thì những bài viết đó sẽ bị cho là ảnh hưởng đến “lợi ích quốc gia”. Điều không may là thuật ngữ “lợi ích quốc gia”, trong nhiều trường hợp, được các chính phủ sử dụng để biện minh cho các hành vi trái pháp luật và nguy hiểm, hoặc phi đạo đức, hoặc để ngăn cản phóng viên đưa tin về một vấn đề lớn.

Phóng sự điều tra cần thời gian dài để thực hiện. Việc thực hiện phóng sự điều tra tuân theo một quy trình gồm các giai đoạn: lập kế hoạch, nghiên cứu và đưa tin, và cần phải đáp ứng tiêu chuẩn cao về tính chính xác và bằng chứng. Giai đoạn nghiên cứu có thể được thực hiện bí mật, hoặc rút ra kết luận từ việc khai phá thông tin. Tuy nhiên, dù kết quả thu được có như thế nào thì phóng viên cũng cần phải đào sâu thông tin chứ không chỉ đơn thuần xác minh nguồn tin báo ban đầu. Phóng sự điều tra hoàn thiện cần phải đưa ra các thông tin mới, hoặc làm sáng tỏ các thông tin sẵn có để nêu bật được tầm quan trọng của vấn đề. Một nguồn tin duy nhất có thể cung cấp những thông tin hấp dẫn, giúp phóng viên tiếp cận những thông tin sâu mà nếu không có nguồn tin cung cấp thì thông tin đó có thể vẫn bị giấu kín. Nhưng phải đến khi nội dung thông tin đó được kiểm tra chéo với các nguồn tin khác – qua kinh nghiệm, qua tài liệu và qua người khác – cùng với việc khám phá được ý nghĩa của thông tin thì phóng sự mới được coi là một tác phẩm điều tra.

Để thực hiện phóng sự điều tra, toà soạn cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn, các phóng viên cần phối hợp làm việc nhóm tốt hơn, và cần nhiều thời gian hơn so với một phóng sự thông thường. Phóng sự điều tra thường là một kết quả của làm việc nhóm. Nhưng đây chính là vấn đề với các toà soạn quy mô nhỏ không có nhiều thời gian, ngân sách hạn chế và ít phóng viên có kỹ năng chuyên môn làm báo điều tra. Một phóng viên có thể phải tính đến phương án tìm nguồn viện trợ để thực hiện điều tra và tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia ngoài toà soạn.

Nhà báo Congo, Sage-Fidèle Gayala, cân nhắc những ưu và nhược điểm của hình thức làm việc nhóm: “Công việc có thể đạt năng suất cao khi chúng ta làm việc theo nhóm nhỏ bởi chúng ta có thể xác định mỗi thành viên trong nhóm có một chuyên môn hữu ích. Một người đảm nhận việc chạy đi chạy lại, một người khác lo nghiên cứu thông tin, và người thứ ba có thể chịu trách nhiệm viết bài. Hình thức làm việc nhóm giúp phóng sự rút ngắn được thời gian thực hiện và hoàn thành. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, các toà soạn không phải lúc nào cũng trong sạch. Các phóng viên hoặc các biên tập viên có thể bị dính vào bẫy bởi doanh nghiệp, hoặc bởi những người làm chính sách, dưới hình thức đe doạ hoặc mua chuộc. Nhiều tờ báo có xuất phát điểm mờ ám, được lập ra bằng nguồn tài trợ của một nhóm lợi ích nào đó. Chủ bút của các tờ báo là mục tiêu chính, đôi khi cũng là thủ phạm chính. Khi làm việc trong bối cảnh như vậy, một phóng viên trẻ có thể phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để hoàn thành được dự án điều tra của mình”.