1.2. Những ngộ nhận về báo chí điều tra


Báo chí điều tra cực kỳ hấp dẫn.

Có một lý do để các gương mặt được đưa trên tờ áp phích của phim ‘All the President’s Men” không phải là phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein, những người đã phanh phui vụ Watergate, mà là các diễn viên đóng vai họ, Robert Redford và Dustin Hoffman. Chính vì vậy, hãy tỉnh lại đi! Thực tế là báo chí điều tra rất khó khăn, nhàm chán và đôi khi còn nguy hiểm.

Phóng viên to hơn phóng sự anh ta làm

Báo chí điều tra chính là dịch vụ công, đây không phải công việc để đề cao cá nhân. Là một phóng viên điều tra không có nghĩa là bạn tự cho mình quyền coi thường các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Phóng viên điều tra là người kiểm tra đơn độc

Khi làm một bộ phim, nó dễ dàng hơn khi chỉ có một nhân vật anh hùng để xây dựng các tình tiết xung quanh nhân vật đó. Trong thực tế, phóng sự điều tra sẽ chỉ mang tính bền vững nếu đó là sản phẩm của cả nhóm.

Phóng sự điều tra chủ yếu được thực hiện ở báo tư nhân.

Điều này có phần đúng. Tuy nhiên, chúng ta có rất nhiều ví dụ cho thấy các cơ quan báo chí nhà nước đã thực hiện nhiều phóng sự điều tra rúng động về các vụ việc liên quan đến chính phủ.

Báo chí điều tra chỉ tập trung vào tin xấu

Ưu tiên hàng đầu cho các cộng đồng và các cơ quan báo chí phục vụ các cộng đồng đó là phát hiện và sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, báo chí điều tra cũng có vai trò phát hiện tin tốt. Chẳng hạn như, việc chống lại các hình ảnh thiên kiến và tiêu cực về người dân hoặc cộng đồng có thể là cơ sở để cho ra đời các phóng sự điều tra mang tính thực tế và có chất lượng. Việc đưa tin giật gân đơn thuần, còn được biết đến là kiểu đào bới thông tin xấu, ít khi có mục đích gì khác ngoài việc thích gây phiền toái cho cuộc sống riêng tư của người khác. Để có giá trị điều tra, một vụ bê bối phải vượt trên mức của một hành vi sai trái cá nhân và phóng viên cần đi sâu vào các vấn đề thực sự ảnh hưởng đến lợi ích chung của người dân.

Báo chí điều tra chỉ đơn thuần đưa tin tốt

“Ngộ nhận” này phát sinh từ quan điểm truyền thống cho rằng nhà báo là những “người canh cổng”, có nhiệm vụ “đánh hơi” những việc sai trái, tìm ra người phải chịu trách nhiệm và đề xuất những cách thức để mang lại sự thay đổi. Phát hiện những cá nhân tham nhũng với hy vọng họ sẽ bị ngăn chặn chắc chắn là việc quan trọng. Tuy nhiên, nếu một phóng sự điều tra chỉ dừng lại ở đó và không thẩm tra được việc hệ thống có vấn đề đó đang dung dưỡng những hành vi sai trái thì phóng sự đó chỉ đơn thuần là dọn đường cho một loạt kẻ xấu khác làm điều tương tự. Một phóng sự điều tra tốt cần xác định được các vấn đề tiềm ẩn và cảnh báo những người có trách nhiệm xử lý các lỗ hổng trong hệ thống. Nếu những người có trách nhiệm không làm như vậy thì phóng viên cần triển khai bài tiếp theo để tìm hiểu lý do tại sao.