3. Đánh giá những thông tin bóng gió và nguồn tin

3. Đánh giá những thông tin bóng gió và nguồn tin


Bắt đầu với việc đánh giá tài liệu nguồn mà bạn nhận được, chẳng hạn tin mật báo hoặc thư ngỏ ẩn danh được đăng trên trang web. Ngay từ đầu, bạn phải hỏi ai đã viết thư này, bằng chứng về tính đáng tin cậy và động cơ của người viết là gì. Bất cứ ai cũng có thể đăng bất cứ thông tin gì trên web, từ các chuyên gia chân chính đến các nhà lý luận có mưu mô, hay đến những nhà vận động hành lang vì lợi ích thương mại hoặc chính trị.

Nếu bạn đã xác định được danh tính cá nhân của người gửi thông tin thì bạn sẽ cần phải tìm đọc càng nhiều thông tin về người đó càng tốt. Hãy cố gắng thu thập thông tin tiểu sử của anh ta: anh ta đã học ở đâu, nắm giữ những chức vụ gì? Kiểm tra tài khoản Facebook và Twitter của anh ta. Nếu anh ta nhắc đến một doanh nghiệp mới, hãy chú ý đến những người tham gia chính và tìm hiểu xem có mối liên kết nào giữa công ty và những người đồng nghiệp, đối thủ của anh ta hoặc nhân vật nào trong chính phủ không? Nếu bộ trưởng nông nghiệp mới cũng có chân trong hội đồng quản trị của một công ty kinh doanh ngũ cốc lớn thì điều này có hợp pháp không? Ngay cả khi việc này được luật pháp cho phép thì xung đột lợi ích này đã được công khai chưa? Việc nắm rõ các mối liên kết như vậy không chỉ giúp bạn đánh giá được sức nặng của những thông tin mật báo mà còn giúp bạn có được những kiến thức sâu cho phóng sự của mình sau này.

Trao đổi với những người biết hoặc đã từng làm việc với cá nhân này. Họ thấy anh ta/cô ta là người thế nào? Nếu những gì những người này nói mâu thuẫn với tít bài bạn định đặt cho phóng sự thì có thể là bạn đang đi sai hướng. Tuy nhiên, hãy thận trọng với những lời khen ngợi, tâng bốc lên mây lên gió – bạn không nên ngay lập tức tin tưởng mọi lời giới thiệu.

Trong đầu bạn cũng sẽ xuất hiện một số câu hỏi khi bạn đọc các báo cáo về nguồn cung khan hiếm – như xăng dầu, đất đai hoặc học bổng. Hãy hỏi xem ai kiểm soát hoặc quản lý các nguồn lực này và các cơ chế phân bổ nên được thực hiện thế nào để xác định được những khả năng tham nhũng có thể xảy ra. Các phóng viên điều tra có thể phán đoán được là những người này đã tiết lộ những thông tin gì và còn giấu bao nhiêu thông tin khác nữa.

Bạn cũng nên đặt câu hỏi về tính xác thực của các tài liệu có mục đích để củng cố các cáo buộc. Khá dễ dàng để tạo tài liệu ’bằng chứng” dùng làm cơ sở cho các cáo buộc sai hoặc thiên vị – bất kỳ ai có thể dùng tiêu đề thư chính thức của công ty (hoặc Photoshop), máy tính và máy photocopy đều có thể làm giả được các bộ tài liệu này. Ngay cả khi những tài liệu này là thật, người ta hoàn toàn có thể lựa chọn cẩn thận để tạo ra một bức tranh đầy thiên kiến chỉ đúng sự thật một nửa bằng cách cố tình bỏ qua các tài liệu quan trọng khác. Bạn cần xác minh tính xác thực của những tài liệu này với các nguồn tin đáng tin cậy trong chính phủ.

Trong nhiều trường hợp, các tài liệu có thể phức tạp hoặc mang tính kỹ thuật đến mức những phóng viên không có kiến thức chuyên môn sẽ cần sự trợ giúp của người trong ngành. Bạn nên thảo luận về tài liệu này với các chuyên gia độc lập chẳng hạn như kế toán, luật sư hoặc bác sĩ. Nhưng ngay cả những tài liệu có vẻ đơn giản cũng dễ bị diễn giải sai. Đôi khi có trường hợp cáo buộc đúng sự thật nhưng sự việc sai trái có thể chỉ ở mức không đáng kể. Khi các cáo buộc tham nhũng chỉ nhỏ như con muỗi thì các phóng viên cần phải cẩn trọng không biến mình thành nạn nhân của một kế hoạch khác.

Sau khi sàng lọc các thông tin bóng gió, tin đồn thổi và tin mật báo, bạn sẽ muốn bắt đầu cuộc điều tra ngay khi có thể. Trước khi bạn dấn thân sâu hơn nữa vào nghiên cứu thông tin, bạn nên định hình cho mình một kế hoạch chi tiết. Những bước đầu tiên là gì, và bạn phải ghi nhớ điều gì trước và trong quá trình điều tra? Chương tiếp theo sẽ giúp các bạn làm sáng tỏ những câu hỏi này.