1.2.1. Tạo mạng lưới các nguồn tin


Bạn có thể đối mặt với một mạng lưới gồm nhiều người khác nhau cần liên lạc khiến phóng sự của mình ngày càng trở nên phức tạp hơn. Cần sắp xếp hợp lý bằng cách lập bản đồ các nguồn tin và sử dụng các mũi tên hoặc màu sắc khác nhau để hiển thị mối quan hệ giữa những người tham gia. Nếu bất cứ điều gì kỳ lạ xuất hiện – ví dụ, ông chủ của một công ty khai thác gỗ hóa ra có liên quan đến một chính trị gia ủng hộ phá rừng – hãy ghi chú để khám phá mối quan hệ đó kỹ hơn sau này. Đây có thể là một qui trình buồn chán nhưng hãy tập trung bằng cách nhắc nhở bản thân rằng bạn đang đóng vai trò là người canh gác xã hội và giúp những người dân “thấp cổ, bé họng” có cơ hội nói ra ý kiến của mình.

Nhà báo Mark Hunter và Luuk Sengers đưa ra những lời khuyên dưới đây về cách lập bản đồ thông tin hiệu quả và có tổ chức:

  • >   Viết ra dòng thời gian của các sự kiện (mô tả ngày, địa điểm, ai đã ở đó, những gì đã nói, những gì đã được thực hiện); giữ thông tin này ở một định dạng nhất quán để bạn có thể dễ dàng tìm được những gì bạn cần
  • >   Lập danh sách nguồn tin (với đầy đủ thông tin liên lạc của họ và giữ thông tin này an toàn); cập nhật danh sách khi bạn đã liên lạc với họ và ghi lại những người bạn còn phải liên hệ
  • >   Vẽ sơ đồ các mối quan hệ giữa những người khác nhau có liên quan
  • >   Lập danh sách các tài liệu chính, ghi rõ những tài liệu bạn có và những tài liệu bạn cần tiếp cận
  • >   Lập chỉ mục tài liệu của bạn và nếu bạn làm việc trên máy tính, hãy tạo liên kết siêu văn bản tới các phiên bản điện tử đầy đủ
  • >   Đánh dấu các thông tin đã được xác lập vững chắc
  • >   Lưu ý tình trạng của từng yêu cầu bạn đã gửi đi
  • >   Luôn luôn giữ một cuốn sổ tay bên mình để ghi lại những ý tưởng