1.2.2 Đảm bảo đầy đủ bằng chứng


Sau khi đã lọc ra đủ các nguồn tin để liên hệ, bạn phải quyết định xem điều gì được coi là bằng chứng để chứng minh cho giả thuyết của bạn. Những bằng chứng đó có đủ để xác định rằng nhà máy nước hiện đang tiến hành kiểm tra chất lượng nước với tần suất ít hơn so với trước đây? Hoặc bạn cũng cần tìm hiểu xem việc giảm tần suất kiểm tra như vậy sẽ gây ra hậu quả gì? Các phóng viên giỏi nhất không chỉ đánh giá những bằng chứng ủng hộ giả thuyết của họ, mà cả những bằng chứng chống lại giả thuyết đó. Chẳng hạn, sẽ rất ít khả năng là một quan chức chính phủ vốn rất giàu lại đi nhận một khoản hối lộ trị giá 10.000 đô la – liệu một “bằng chứng” như vậy có thể là một tưởng tượng viển vông của phía nguồn tin hay không? Một lần nữa, hãy thường xuyên tự chất vấn bản thân về độ tin cậy của bằng chứng bạn đang nắm: mức độ hoàn thiện của nó, nguồn gốc từ đâu và liệu có nhiều nguồn tin khác sẵn sàng chứng thực hay không.

Bạn cần lưu ý rằng rất hiếm khi có bằng chứng tuyệt đối cho một việc gì đó. Đôi khi, mức độ kiểm chứng cao nhất bạn có thể đạt được cũng chỉ là tập hợp các bằng chứng có nhiều khả năng hơn một kết quả khác. Không phải tất cả mọi thứ đều có thể được chứng minh đến mức độ không còn nghi ngờ gì nữa. Điều đó có nghĩa là chỉ cần phóng sự cuối cùng của bạn làm rõ được vấn đề thì vẫn có thể thực hiện phóng sự cho dù lập luận chưa đủ chặt chẽ. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải rất cẩn trọng trong cách diễn đạt những nội dung nhất định.