Người ta gửi “tin mật báo” vì rất nhiều lý do, phần nhiều các lý do này không liên quan gì đến mục đích hỗ trợ báo chí điều tra hay để phanh phui những hành vi sai trái. Tương tự như vậy khi bạn tiếp cận một nguồn tin. Sự bất bình cá nhân, hoàn cảnh riêng hoặc một niềm tin nào đó của người nói khiến nội dung trao đổi bị thổi phồng, hoặc khiến họ phóng đại một số khía cạnh của câu chuyện hoặc cố tình không đả động gì đến một số khía cạnh khác. Một số nguồn tin có thể quá háo hức chia sẻ, hoặc một số khác lại đưa ra câu trả lời mà họ nghĩ rằng bạn muốn nghe. Nghiên cứu nền tảng của bạn về nguồn tin có thể giúp bạn nhìn rõ điều này; quan sát của bạn về cách họ cư xử trong khi nói chuyện với bạn cũng sẽ giúp bạn nhận ra.
Đôi khi, người ta cũng phạm những sai lầm không cố ý và quên một số chi tiết. Vì cả hai lý do này, bạn cần phải xác minh tất cả thông tin nhận được thông qua một nguồn tin độc lập khác. Bằng chứng từ hai nguồn tin khác nhau của bạn phải cùng phản ánh một sự thật mặc dù sẽ hiếm khi thông tin y hệt như nhau. Nếu bạn không thể tìm thấy nguồn tin thứ hai hoặc đơn giản là không có thời gian để làm việc đó thì bạn phải nói rõ trong phóng sự của mình rằng bạn không thể xác nhận nội dung này. Nhưng hãy nhớ rằng: một phóng sự có quá nhiều tuyên bố rằng thông tin chưa được xác nhận sẽ khiến phóng sự đó thiếu sức thuyết phục và làm tổn hại đến tính chính trực của bạn.
Nhưng giả sử nguồn tin thứ hai của bạn lại đưa ra thông tin trái ngược chứ không xác nhận nguồn tin thứ nhất. Trong trường hợp này, bạn nên cho độc giả biết cả hai quan điểm hay nói cách khác là tích hợp hai quan điểm trái ngược đó vào phóng sự của mình. Ví dụ: “Bộ Nội vụ cho biết nhóm người vượt biên có vũ trang còn Bộ quốc phòng thông báo những người này không mang mang theo khí giới.” Bạn không có quyền bỏ qua các thông tin chỉ vì lý do các chi tiết này không phù hợp với phóng sự của bạn. Những căng thẳng này, nếu chúng có liên quan đến vụ việc đưa trong phóng sự của bạn thì cần phải được ghi nhận. Các phóng viên có bề dày thành tích và có mạng lưới nguồn tin rộng rãi như phóng viên điều tra người Mỹ, Seymour Hersh, có những khi chỉ dựa vào một nguồn tin duy nhất. Tuy nhiên, rất ít phóng viên có thể làm được như vậy.
Ở cấp độ cơ bản nhất, bạn cần tìm hiểu xem nhân thân của người cung cấp thông tin cho bạn có đúng như những gì họ tự nhận hay không. Họ có thể chứng minh các thông tin về nơi làm việc, địa chỉ nơi ở, thông tin gia đình, hồ sơ quân đội, hộ chiếu, chứng minh thư hoặc giấy phép lái xe không? Nếu một nguồn tin có tiền sử tội phạm, khó khăn riêng, bệnh tâm thần, rắc rối tài chính, bạo lực hoặc lừa đảo thì bạn sẽ cần phải đặc biệt hoài nghi về những gì họ nói với bạn. Nếu một nguồn tin kháng cự không chia sẻ thì có thể vì họ có những lý do quan trọng khiến họ muốn che giấu thông tin. Và bạn cần tính đến yếu tố này khi đưa ra đánh giá liệu bạn có thể tin vào những thông tin người đó cung cấp hay không.
Chỉ khi bạn biết rõ mình đang tìm kiếm điều gì thì bạn mới có thể đánh giá được chất lượng của những thông tin nhận được. Nguồn tin có cung cấp cho bạn một lời giải thích đầy đủ hoặc cả bộ bằng chứng hay không? Bạn có thể khớp những điều này lại với nhau bằng các cách, đều nghe như hợp lý, và đưa ra một kết luận khác? Đâu là “lỗ hổng” trong câu chuyện của anh ta? Trải nghiệm của nguồn tin đó có thể đại diện cho trải nghiệm của cả cộng đồng của anh ấy không? Thông tin đó có cập nhật không, hay sự việc đã xảy ra cách đây rất lâu và mọi thứ có thể đã thay đổi và người nói không còn nhớ chính xác từng chi tiết nữa?