1.3.1 Cấu trúc tác phẩm và phong cách viết

1.3.1 Cấu trúc tác phẩm và phong cách viết


Các phóng sự có xu hướng sử dụng ba cấu trúc cơ bản:

  1. 1. Cấu trúc theo trình tự thời gian – câu chuyện được mở ra theo dòng thời gian; mạch câu chuyện được dẫn dắt theo trình tự các sự kiện và hành động
  2. 2. Cấu trúc tường thuật – phản ánh một tình huống trong một khoảng thời gian theo kết quả điều tra
  3. 3. Cấu trúc theo các quá trình – câu chuyện phát triển xoay quanh các vấn đề và tranh luận

Bạn bắt đầu quá trình viết bằng việc phân loại tài liệu thành các phần: Vấn đề phản ánh, người bị ảnh hưởng, các mối xung đột và các phát hiện của bạn. Với một phóng sự điều tra tương đối đơn giản – thường là một phóng sự có thể thực hiện trong vài tuần, không giống như những phóng sự có quy mô nhiều tháng hoặc nhiều năm – những phần này kèm theo phần mở đầu và kết luận là đủ để tạo nên một dàn ý hoàn toàn thoả đáng cho phóng sự cuối cùng.

Trong viết phóng sự điều tra, sự tinh tế văn học chỉ chiếm vị trí thứ hai. Thông tin mới là tâm điểm. Trong mọi trường hợp, một phóng sự điều tra hay có xu hướng để thông tin tự viết ra – bạn không cần phải tô điểm hay kịch tính hoá nó.

Một phóng sự điều tra có xu hướng dài hơn và phức tạp hơn một phóng sự điển hình. Hình thức và cấu trúc của một phóng sự điều tra sẽ dẫn dắt độc giả và giúp họ định vị các thông tin phức tạp. Ba mô hình cấu trúc phổ biến nhất cho phóng sự điều tra bao gồm:

(A) Công thức của “Wall Street Journal”:

  1. 1. Bắt đầu với một nhân vật hoặc một tình huống để thiết lập bối cảnh giữa vụ việc và các vấn đề (thường được gọi là dẫn nhập bằng một câu chuyện ngắn),
  2. 2. Mở rộng ra từ trường hợp cụ thể của nhân vật đó để đề cập các vấn đề lớn hơn thông qua một đoạn giải thích bối cảnh, các mối liên quan giữa vấn đề của nhân vật với vấn đề ở quy mô rộng lớn hơn
  3. 3. Quay trở lại với trường hợp cụ thể của nhân vật để có một cái kết nhân văn, gây được sự chú ý

(B) Cấu trúc ‘High Fives’ do ông Carol Rich, một chuyên gia huấn luyện kỹ năng viết người Mỹ xây dựng, gồm 5 phần:

  1. 1. Tin tức (Điều gì đã xảy ra hoặc đang xảy ra?)
  2. 2. Bối cảnh (Bối cảnh nền là gì?)
  3. 3. Phạm vi (Đây là một sự cố, một xu hướng địa phương hay một vấn đề quốc gia?)
  4. 4. Ranh giới (Việc này dẫn đến đâu?)
  5. 5. Tác động (Tại sao độc giả của bạn nên quan tâm?)

Cấu trúc này đòi hỏi phóng viên phải có khả năng viết các đoạn chuyển tiếp tốt để khớp năm yếu tố với nhau. Mặt khác, cấu trúc này cũng tạo cảm giác như có năm phóng sự ngắn xuất hiện nối tiếp nhau. Nhưng đây cũng có thể là một cấu trúc tuyệt vời cho một phóng sự dài đăng trên báo điện tử – trong trường hợp này, bạn cần phải chia nhỏ phóng sự dài thành nhiều kỳ để dễ quản lý.

(C) Cấu trúc Kim tự tháp

Trong khi cấu trúc truyền thống của một phóng sự thông thường là mô hình “kim tự tháp ngược” (điểm chính trước; những tư liệu bổ trợ ít quan trọng hơn được thêm vào sau), thì với phóng sự điều tra chúng ta sẽ lật ngược lại kim tự tháp lại. Bạn có cả một câu chuyện dài để đi đến điểm kịch tính, dẫn dắt người đọc tìm hiểu lần lượt từng phát hiện của bạn:

  1. 1. Bắt đầu bằng việc tóm tắt chủ đề phóng sự
  2. 2. Hé lộ trước một số điều bạn sẽ khám phá
  3. 3. Dẫn dắt độc giả từng bước xuyên suốt cuộc điều tra, duy trì sự hồi hộp sống động và xây dựng phóng sự theo hướng đưa ra những khám phá gây sốc hoặc kịch tính nhất, giống như bạn đang viết phóng sự về một đột phá khoa học hoặc một cuốn tiểu thuyết bí ẩn
  4. 4. Để dành thông tin quan trọng, kịch tính nhất cho phần kết

Mỗi công thức này đều mượn một chút từ bộ công cụ của một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết. Bạn không viết tiểu thuyết, nhưng bạn đang áp dụng các kỹ thuật viết văn học. Và điều này hoàn toàn hợp lý vì mỗi phóng viên cũng chính là một người kể chuyện. Đây là cơ sở của cách tiếp cận hiện đại trong viết tin thời sự mà chúng ta gọi là báo chí tường thuật.

Mặc dù vậy, vẫn có điều phóng viên cần lưu ý. Phóng viên điều tra người Mỹ, Daniel Schechter, trong bộ phim của ông nói về báo chí Mỹ với cuộc chiến Iraq có tên “Vũ khí lừa dối hàng loạt”, đã lưu ý một bất cập của phương pháp kể chuyện là: Bằng cách tập trung vào các câu chuyện cá nhân, phương pháp này đã giúp một số phương tiện truyền thông Hoa Kỳ phớt lờ các vấn đề và lập luận lớn hơn gây tranh cãi. Nhưng điều này không khiến cho phương pháp tường thuật trở nên kém giá trị. Sự việc này chỉ có vai trò như một lời nhắc nhở giống như bất kỳ kỹ thuật viết nào khác, phương pháp kể chuyện cần được áp dụng một cách có ý thức và khéo léo trong bối cảnh thích hợp.

Một số công cụ được sử dụng trong báo chí tường thuật:

Khắc hoạ chân dung và thiết lập bối cảnh: Nếu bạn chọn phương pháp của Wall Street Journal, bạn sẽ cần có một con mắt tinh tường để phát hiện ra các chi tiết trong suốt quá trình điều tra. Bạn phải mô tả nguồn tin chính hoặc bối cảnh theo một cách khiến độc giả cảm thấy chân thực và thuyết phục. Điều này không có nghĩa là ghi lại tất cả mọi thứ một cách chi tiết tỉ mỉ (bạn không có đủ diện tích trên mặt báo), mà là chọn một vài chi tiết xác thực, gây ấn tượng để làm phong phú cho phóng sự.

Gợi ý và manh mối: Trong khi viết một phóng sự điều tra, điều quan trọng là ngay từ đầu phóng sự, bạn cần cung cấp cho công chúng những gợi ý hoặc manh mối để họ biết phóng sự sẽ dẫn đến đâu. Đặc biệt, bạn sẽ dùng đến những gợi ý và manh mối này nếu bạn áp dụng cấu trúc kim tự tháp. Bạn cung cấp vừa đủ chi tiết để khiến độc giả quan tâm cho đến khi tiết lộ những phát hiện cuối cùng của câu chuyện.

Tiết tấu, cấu trúc và ngôn từ: Một điều quan trọng nữa phóng viên cần nhớ là tiết tấu rất quan trọng khi viết phóng sự. Mỗi diễn biến câu chuyện, cấu trúc bài viết và ngôn từ bạn lựa chọn sẽ quyết định tiết tấu câu chuyện diễn ra nhanh hay chậm. Câu và từ ngắn đẩy sự việc lên nhanh dần. Câu dài hơn khiến sự việc đi chậm lại. Việc đưa ra một lượng lớn thông tin chuyên ngành trong một đoạn ngắn sẽ bắt buộc độc giả đọc chậm hơn, ngay cả khi bạn dùng câu ngắn. Thông tin nền tảng và bối cảnh không cần thiết và quá nhiều sẽ khiến phóng sự ngưng hoàn toàn từ rất sớm trước khi câu chuyện đến hồi kết. Bạn hãy luôn tự hỏi: Những thông tin này có bổ sung thêm giá trị gì cho bài viết không hay chỉ đơn thuần là thêm số lượng từ? Hãy cắt bỏ những câu từ không cần thiết trong bài.

Nếu bạn đọc to phóng sự của mình lên thì bạn sẽ cảm nhận được tiết tấu và dòng chảy của câu chuyện. Và bạn cũng sẽ có thể cảm nhận được câu chuyện trở nên không đơn thuần là chậm, mà còn buồn tẻ, hoặc tệ hơn là nhàm chán bắt đầu từ phần nào. Đôi tai của bạn chính là biên tập viên tốt nhất, cho bạn biết khi bạn mất đi giọng văn tự nhiên hoặc khi ngôn ngữ của bạn trở nên dài dòng. Hãy viết phóng sự theo cách như đang trò chuyện, như cách bạn sẽ kể trực tiếp câu chuyện đó để độc giả có thể đồng cảm với bạn. Việc dùng đúng ngữ pháp và dấu câu sẽ giúp gia tăng âm điệu, điểm nhấn và sắc thái cho bài viết: Những yếu tố này làm nhiệm vụ của chúng trên báo y như cách đôi tay, đôi mắt và từng múi cơ trên khuôn mặt thể hiện khi chúng ta thuyết trình.