1.3.3 Liên kết và kết luận


Mỗi phóng sự đều cần bắt đầu tốt và kết thúc tốt. Phần mào đầu và phần kết luận là hai phần có sức nặng nhất của bất kỳ phóng sự nào. Một phần mào đầu hay sẽ thu hút độc giả vào bài viết và trang bị cho họ một tấm khung để qua tấm khung đó họ có thể xem toàn bộ câu chuyện. Hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu phần mào đầu của một phóng sự không hấp dẫn thì độc giả sẽ không tiếp tục đọc bất kể chủ đề phóng sự là gì. Tương tự, phần kết luận phải đưa ra được một ý tưởng mà độc giả sẽ giữ lại trong tâm trí họ.

Các cách để bắt đầu phóng sự:

  • > Khắc hoạ một chân dung hoặc thiết lập một bối cảnh
  • > Tóm tắt chủ đề phóng sự trong một câu ngắn
  • > Kết quả hoặc tác động. Sau đó, bạn có thể quay ngược dòng để cho biết sự việc đã xảy ra như thế nào.

Trong mọi trường hợp, đừng khiến độc giả chờ đợi quá lâu mới biết phóng sự mang đến cho họ câu chuyện gì. Quy tắc thông thường là phần mào đầu phản ánh không quá 10 phần trăm nội dung phóng sự. Nhưng đừng cho rằng quy tắc đó sẽ khiến “phần dẫn nhập bị trì hoãn”, như cách dùng thuật ngữ trong sách giáo khoa. Phóng sự của bạn bắt đầu khi nó bắt đầu và không nhất thiết phải bắt đầu với ồ ạt thông tin. Tương tự như vậy đối với phần kết luận. Một kết thúc thoả đáng phải:

  • > Hoàn thành nốt những gì còn dang dở (những việc đã xảy ra với các nhân vật hoặc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo)
  • > Tóm tắt lại đề tài một lần nữa để nhắc chúng ta lý do tại sao chúng ta quan tâm đến vấn đề này
  • > Tạo yếu tố gây ngạc nhiên (một cái kết gây ngạc nhiên khiến độc giả phải suy nghĩ, đó có thể là một câu trích dẫn ấn tượng)
  • > Nhấn mạnh bối cảnh; những điều đó gợi cho độc giả nhớ về những niềm hy vọng, những ràng buộc và những diễn biến xuyên suốt phóng sự của bạn
  • > Quay trở lại với những nhân vật chúng ta đã gặp ở đầu phóng sự, và để họ được nói lời cuối cùng
  • > Không bao giờ lựa chọn một cái kết sáo mòn kiểu như “chỉ có thời gian mới trả lời được”. Bạn là người điều tra và nếu bạn coi phóng sự này không quan trọng, không đưa ra được một giải pháp rõ ràng nào thì bạn đã huỷ hoại niềm tin của độc giả vào thẩm quyền của bạn.

Một yếu tố quan trọng không kém để xâu chuỗi các thông tin trong phóng sự là các phần chuyển tiếp: cách câu chuyện chuyển từ phần này sang phần khác và từ đoạn này sang đoạn khác. Các phương pháp hữu ích nhất để có một mạch truyện thống nhất:

  • > Thường xuyên nhắc lại giả thuyết
  • > Sử dụng các phép ẩn dụ mở rộng để gắn kết các ý tưởng lại với nhau và khiến các ý tưởng trở nên sống động. Ví dụ, bạn có thể thảo luận về môi trường như thể đang nói về cơ thể con người – tất cả các bộ phận phải phối hợp cùng nhau
  • > Sử dụng một hình ảnh, một đồ vật, một câu tục ngữ hoặc một cái gì đó phù hợp với cuộc điều tra của bạn để tạo một đường chỉ xuyên suốt mạch truyện

Những ngôn từ đơn giản có thể trở nên cực kỳ mạnh mẽ trong việc giữ chân độc giả khi bạn theo dõi một cuộc tranh luận phức tạp. Sử dụng các từ có tính chất chỉ dẫn để cho thấy các đoạn phóng sự có tiếp nối mạch của nhau không (ví dụ từ: “và), chuyển hướng (“nhưng”), chỉ hệ quả (“vì thế”), tiếp theo (“sau đó”)….

Sau khi bạn viết xong bản thảo ban đầu thì phóng sự của bạn vẫn chưa hoàn hảo. Một điều quan trọng cần làm ở giai đoạn hoàn thiện là kiểm tra xem thông tin được thu thập ở giai đoạn đầu trong quá trình thực hiện phóng sự có còn giá trị không và không bị mâu thuẫn với những phát hiện sau này. Đồng thời, các dữ liệu, báo cáo khoa học hoặc kết quả kiểm tra mới có thể đã được công bố. Bạn nên lặp lại bước nghiên cứu thông tin trên mạng.

Khi bạn biên tập phóng sự của mình, bạn có thể thấy rằng còn rất nhiều từ ngữ khiến người đọc thấy nặng nề. Bạn có thể rê chuột kéo những từ ngữ này ra khỏi phóng sự và thả vào một chiếc hộp hoặc để ở thanh bên của màn hình. Hãy nhớ rằng, những phóng sự hay nhất đều phải trải qua vài lần phác thảo. Biên tập bài viết của mình không phải là một điều xa xỉ cũng chẳng phải việc tầm thường; nó là một phần của quá trình cho ra đời một phóng sự hay nhất mà bạn có thể viết. Nếu việc viết lại bản thảo và biên tập lại một mình trở nên quá khó khăn với bạn thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp hoặc thành viên trong nhóm. Ý tưởng hay thường xuất phát từ tinh thần đồng đội.