1.2. Nguồn tin


Lập bản đồ nguồn tin: Giai đoạn tiếp theo của quy trình làm phóng sự điều tra là xác định ra tất cả các nhân vật chính trong phóng sự và bất kỳ tài liệu nào ghi lại hành động của họ. Nhiều tài liệu công khai cho thấy các cơ quan chính phủ, nhân viên bệnh viện, các tập đoàn, giới mafia và chính trị gia đã có kế hoạch mờ ám gì. Nhiều mối liên hệ khác nhau của bạn cũng có thể giúp xác minh hoặc bác bỏ giả thuyết ban đầu bạn đưa ra. Bạn phải luôn đảm bảo có ít nhất hai nguồn tin độc lập cùng xác nhận một thông tin. Các nguồn tin này sẽ đóng vai trò là chuyên gia cung cấp kiến thức nền tảng, vì vậy bạn nhớ bổ sung thông tin liên hệ của họ vào sổ liên lạc của mình.

Nguồn tin được phân thành hai nhóm: nguồn tin cấp 1 và nguồn tin cấp 2.

Nguồn tin cấp 1: Đây là những nguồn tin đã cung cấp bằng chứng trực tiếp hoặc có liên quan đến trải nghiệm trực tiếp. Ví dụ, một bệnh nhân đã mua thuốc do một y tá tuồn ra từ bệnh viện có thể trở thành người làm chứng cho thị trường dược phẩm “chợ đen” mặc dù anh ta không thể giúp bạn hiểu cặn kẽ về những gì các y tá làm trong hậu trường. Một quản đốc tại nhà máy nước, người được yêu cầu thực hiện kiểm tra độ tinh khiết của nước hàng tháng thay vì hàng tuần, cũng là một nguồn tin chính. Tương tự như vậy với bảng sao kê ngân hàng của một Bộ trưởng nội các cũng cho thấy rõ khoản tiền ông này nhận được từ một công ty sản xuất vũ khí quốc tế. Các nguồn tin cấp 1 – chỉ cần là bạn đã xác minh và đảm bảo tính xác thực – là những nguồn tin có giá trị nhất vì họ cung cấp bằng chứng trực tiếp. Nhưng tìm được các nguồn tin này cũng là một nhiệm vụ hóc búa nhất với phóng viên. Những người có trải nghiệm liên quan có thể cảm thấy miễn cưỡng khi trả lời phóng viên có ghi âm bởi vì họ sợ bị làm hại, và các tài liệu như bảng sao kê ngân hàng hoặc hồ sơ y tế có thể được giữ bí mật hoặc thậm chí bị hạn chế bởi luật riêng tư.

Nguồn tin cấp 2 (Nguồn tin thứ cấp): Nguồn tin cấp 2 bao gồm tất cả các loại tài liệu đã được xuất bản, bao gồm báo cáo của các tổ chức và lời kể lại của người có thông tin về sự vụ nhưng không trực tiếp trải nghiệm (“Tôi có người bạn đã…). Các nguồn tin cấp 2 rất có giá trị, đặc biệt là để thiết lập bối cảnh và hoàn cảnh, giúp giải thích các vấn đề và từ đó làm đầu mối dẫn dắt đến các mối liên hệ tốt. Tuy nhiên, bất kỳ bằng chứng nào bạn có được từ các nguồn tin này- cũng như từ những người giới thiệu họ – đều phải được kiểm tra và xác minh.

Bạn cũng có thể phân biệt bốn loại nguồn tài liệu: con người, giấy tờ, kỹ thuật số và huy động thông tin từ cộng đồng.

(a) Nguồn tài liệu con người: Nhóm này bao gồm nhiều nguồn tin khác nhau: người có vai trò trực tiếp, nhân chứng, chuyên gia và các bên quan tâm, cả háo hức và miễn cưỡng. Hãy chắc chắn rằng bạn biết rõ tình trạng, tính xác thực và động cơ của những người bạn tiếp cận. Nếu bạn đang làm phóng sự về việc tư nhân hóa dịch vụ cấp nước thì đại diện của các tổ chức phản đối tư nhân hóa sẽ có thể cung cấp rất nhiều thông tin từ góc độ của phía đối lập. Nhưng thông tin đó sẽ do một người cụ thể cung cấp. Thông thường, đại diện của các tổ chức sẽ thay mặt cho đông đảo thành viên để phát biểu. Khi họ tóm tắt các quan điểm của cả nhóm có thể xảy ra tình trạng là các ý kiến của mọi người bị sắp xếp, chỉnh sửa lại khiến một số ý quan trọng bị thay đổi hoặc bỏ sót – nhiều khi không phải do cố ý. Chính vì vậy, bạn cần hỏi nhiều người khác nhau. Nếu bạn hỏi chuyện người dân ở khu vực đó thì phải chắc chắn là bạn lựa chọn đủ đại diện của các nhóm nhân khẩu học: Phụ nữ, đàn ông, thanh niên, người già, đại điện các nhóm có thu nhập và mối quan tâm khác nhau. Ý kiến của người dân giúp phóng sự của bạn chân thực và sống động.

(b) Nguồn tài liệu giấy tờ: Bao gồm sách, báo, hồ sơ chính thức, thư mục và tài liệu kinh doanh, chẳng hạn như hợp đồng và bảng sao kê ngân hàng. Nguồn tài liệu này còn có thể bao gồm cái gọi là “tài liệu xám” – đó là những tài liệu được lưu hành rộng rãi nhưng có thể chưa được công bố chính thức (chẳng hạn như các nghiên cứu được các tổ chức tư nhân uỷ nhiệm, luận văn học thuật), hoặc có thể là tài liệu bảo mật chính thức. Tuy nhiên, với nguồn tài liệu giấy tờ cũng có những bất cập nhất định: Nhiều khi chúng ta không biết được liệu bằng chứng có còn tồn tại hay không, hồ sơ giấy tờ công khai bị xáo trộn, hoặc tệ hơn nữa là một số quốc gia không có luật tự do thông tin cho phép báo chí được tiếp cận các tài liệu liên quan. Trong trường hợp đó, chính quyền ở nhiều nước trên thế giới có thể cản trở quá trình tiếp cận thông tin bởi họ sợ những hậu quả của việc công khai các thông tin đó. Chính vì vậy, điều quan trọng là bạn phải xác định từ sớm những tài liệu bạn cần cho phóng sự của mình, nắm rõ địa điểm và cách thức các thông tin này đang được lưu trữ và tìm cách tiếp cận chúng. Nếu cần, bạn phải xin phép trước càng sớm càng tốt vì việc xin giấy phép chính thức có thể mất vài tuần, rồi lại mất đến vài tháng để hoàn thành.

(c) Nguồn tài liệu kỹ thuật số: Bao gồm thông tin trên các trang web và hồ sơ được lưu trữ  dưới dạng kỹ thuật số. Lượng thông tin trực tuyến có thể khiến bạn hoa mắt, nhưng cũng như với bất kỳ nguồn thông tin nào khác, bạn cần xác minh nguồn gốc thông tin. Bạn cần kiểm tra những thông tin các quan chức đang viết về bản thân họ, và cách bạn bè và gia đình nói về họ. Nhưng hãy nhớ rằng thông tin trên trang web hầu như không được kiểm soát: Bất kỳ ai có quyền truy cập đều có thể đăng bất cứ điều gì, kể cả thông tin hoàn toàn bịa đặt. Ngoài ra, thông tin trên web thường sẽ lưu lại trên mạng trong một thời gian dài; đôi khi rất lâu sau khi thông tin đó đã trở nên lỗi thời. Luôn luôn kiểm tra các nguồn gần đây nhất trước. Để được trợ giúp thêm, bạn có thể tải bản miễn phí của Sổ tay Hướng dẫn xác minh thông tin do Trung tâm báo chí châu Âu (EJC) xuất bản. Sổ tay này cung cấp cho bạn các công cụ và kỹ thuật để xử lý nội dung số.

(d) Nguồn thông tin huy động từ cộng đồng: Đây là một công cụ mới, kết hợp nguồn tin con người và nguồn tin kỹ thuật số. Huy động thông tin từ cộng đồng là việc các cơ quan báo chí thu hút độc giả cùng điều tra vụ việc bằng cách mời độc giả đóng góp, chẳng hạn như chia sẻ trải nghiệm của họ trên Twitter hoặc đặt câu hỏi qua video phát trực tiếp trên Facebook.

Loại nguồn tinGiá trị mang lạiĐiểm mạnhVấn đề có thể gặp phải
Con ngườiMang đến sự sinh động và tính xác thực cho phóng sựPhỏng vấn trực tiếp thường không đòi hỏi các nguồn lực công nghệ cao

Trải nghiệm trực tiếp khiến phóng sự có tính thuyết phục hơn
Con người luôn có thiên kiến, định kiến, và có thể nói dối

Nhiều người chỉ cung cấp bằng chứng qua những chuyện nghe kể lại – cần phải đảm bảo người được phỏng vấn mang tính đại diện

Nhiều người có thể trở thành nạn nhân khi trả lời báo chí – bạn sẽ làm thế nào để bảo vệ họ?
Giấy tờCung cấp bằng chứng cụ thể

Cung cấp lịch sử và bối cảnh
Các nguồn thông tin cấp 2 mở rộng nghiên cứu nền tảng trên mức bạn có thể tự thực hiện

Các nguồn tài liệu cấp 1 (chẳng hạn như Bảng sao kê ngân hàng) là thông tin chính thức và đáng tin cậy
Có thể được bảo vệ bởi luật riêng tư, kiểm duyệt…

Khó tiếp cận hoặc mất nhiều thời gian để tiếp cận

Có thể cần đến kiến thức chuyên môn để hiểu được, chẳng hạn các giấy tờ liên quan đến tài chính

Có thể khiến ra đời một phóng sự quá học thuật, một phóng sự “chết” không có tiếng nói của người dân
Kỹ thuật sốCó thể mang lại mọi giá trị như các nguồn tin bên trên, tuỳ thuộc vào việc bạn lấy được thông tin gìCó thể thực hiện được trên máy tính của bạn, bao gồm việc tiếp cận âm thanh và video

Thông tin được tải lên nhanh và thông tin có được từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế
Có thể đi đến kết cục là một phóng sự chết

Đe doạ an ninh trên Internet

Việc xác minh “thông tin dữ liệu” trên Internet có thể vô cùng khó khăn

Có thể có luật hiện hành cho phép bạn được quyền truy cập dữ liệu. Luật pháp ở mỗi nước khác nhau, không chỉ khác ngay ở tên luật mà còn khác về phạm vi điều chỉnh của luật, nên không thể đưa ra một lời khuyên chung nào ở đây. Bạn cần nghiên cứu luật pháp của nước mình trước khi bắt đầu điều tra.