3.1 Ưu tiên những gì quan trọng


Mỗi người có cách làm việc khác nhau, vì vậy hãy cố gắng xác định điểm yếu của bạn và không để mình bị sa lầy vào bất kỳ một công đoạn nào. Ví dụ, bạn rất dễ bị sa đà vào việc đọc càng nhiều càng tốt, đặc biệt là khi bắt đầu một cuộc điều tra. Nhưng việc đọc rất tốn thời gian và có thể kết cục là bạn vướng vào đủ các loại tài liệu tham khảo cần nghiên cứu sâu hơn mà khả năng của một người không cho phép đọc được hết mọi thứ như vậy trong một khoảng thời gian nhất định. Sẽ tốt hơn cho bạn nếu bạn tìm kiếm thông tin trên Internet theo cách thông minh hơn – chẳng hạn như đặt các từ khoá trong dấu ngoặc kép để lọc các bài viết không liên quan. Ngoài ra, hãy đảm bảo sự ngăn nắp – chẳng hạn như đánh dấu các tham chiếu trên web – việc này giúp bạn đỡ lãng phí thời gian khi tìm kiếm các liên kết này.

Tương tự như vậy, đừng đặt hy vọng vào một chuyên gia khó liên hệ. Mở rộng mạng lưới của bạn ra để liên hệ với càng nhiều người phù hợp càng tốt. Ở giai đoạn đầu của cuộc điều tra, bạn phải tìm kiếm rộng chứ chưa phải tìm kiếm sâu.

Bạn cũng nên lập dòng thời gian để xác định thời gian phân bổ cho mỗi phân đoạn nghiên cứu của bạn. Mặc dù một cuộc điều tra có thể có nhiều lúc phải quay đầu chuyển hướng nhưng hãy sử dụng định hướng ban đầu này để tự nhắc mình nếu bạn cần phải tiếp tục hoặc tìm một cách khác để đạt được điều mình cần.