1.2.1 Sử dụng câu trích dẫn trực tiếp

1.2.1 Sử dụng câu trích dẫn trực tiếp


Hãy sử dụng câu trích dẫn trực tiếp để tạo điểm nhấn chứ không nhằm để kể một câu chuyện hoàn chỉnh, và để bổ sung thông tin chứ không chỉ đơn thuần lặp lại thông tin cũ. Tránh sử dụng câu trích dẫn để truyền đạt những thông tin cơ bản, thực tế. Câu trích dẫn trực tiếp được dùng để chuyển đi thông điệp rằng cuộc nói chuyện của bạn với nguồn tin đã thực sự diễn ra và để thêm màu sắc vào phóng sự nhưng điều đó không thay thế được những phân tích của bạn về các vấn đề mà nguồn tin đã chia sẻ. Nguyên tắc quan trọng là trích dẫn chính xác từng từ mà các nhân vật đã nói với bạn. Tuy nhiên, vẫn có các ngoại lệ:

  • > Những điều một ai đó đã nói rất khó hiểu, hoặc khiến người nói trở nên nực cười và không bổ sung thêm “hương vị” cho câu chuyện.
  • > Lời nói báng bổ và tục tĩu không được phép đăng, phát sóng theo quy định của cơ quan
  • > Câu nói có quá nhiều những từ đệm kiểu “từ lấp chỗ trống” như “nhìn xem”, “anh/chị biết đấy”, “tôi cho rằng”. Những từ này không bổ sung thêm được ý nghĩa gì.

Ghi nguồn tất cả các câu trích dẫn trực tiếp và các quan sát không phải của bạn. Trong một phóng sự điều tra, bạn phải cẩn thận hơn bình thường trong việc ghi nguồn bởi vì độc giả sẽ đánh giá bài viết của bạn một phần dựa trên nguồn gốc của tư liệu sử dụng trong bài. Bạn cũng cần trình bày rõ khi chuyển tiếp sang lời của một nhân vật mới. Nếu vì một lý do nào đó bạn không thể nêu tên nguồn tin thì phải giải thích rõ lý do tại sao. Chẳng hạn: “Cơ quan sẽ sa thải tôi nếu họ biết tôi đã cho anh biết điều này”, người được phỏng vấn cho biết.

Dưới đây là một số lời khuyên khi sử dụng câu trích dẫn trực tiếp:

  • > Trong câu trước khi bắt đầu vào câu trích dẫn, bạn phải giúp độc giả nắm được phần tiếp theo là nội dung gì.
  • > Phần giới thiệu của bạn vào câu trích dẫn phải hướng đến cùng một thông điệp.
  • > Sử dụng nhất quán cách diễn đạt “ông ấy/bà ấy nói” trong phần viết về nội dung cuộc trao đổi với nguồn tin. Một số từ (“khẳng định”; “tuyên bố”; “lập luận”) chỉ khiến độc giả thấy việc “lèo lái thông tin” không cần thiết, trong khi những từ khác (“phản bác”, “bác bỏ”) lại có thể khiến độc giả có thể hiểu nhầm. Chỉ khi nào bạn chắc chắn thông tin chính xác thì mới sử dụng động từ biểu thị sắc thái.
  • > Khi bạn diễn giải lại ý của người nói, không “lèo lái thông tin”. Giữ nguyên sắc thái và giọng điệu của nguồn tin ban đầu. Nếu người phát ngôn nói: “Chúng tôi không có ngân sách cho việc này” thì đừng diễn giải lại thành: “Cô ấy nói rằng công ty của cô ấy không dự định chi tiền vào việc này”. Cách diễn giải lại như vậy sẽ ngụ ý về việc công ty có một số ưu tiên nhất định chứ không chỉ đơn thuần là vì tình hình tài chính.