1.2 Viết phóng sự — viết lần lượt từng đoạn

1.2 Viết phóng sự — viết lần lượt từng đoạn


Hãy coi phóng sự của bạn là một tập hợp gồm nhiều phần, và mỗi phần là một tập hợp gồm nhiều đoạn. Những tiểu phần này (ví dụ như phần phanh phui những người có vai trò chính trong một vụ bê bối quốc gia, hoặc lịch sử của một hội bí mật và lý do dẫn đến sự trỗi dậy của hội này) phản ánh một khía cạnh của cuộc điều tra và phản ánh góc độ đó một cách toàn diện theo phương thức chia nhỏ một đề tài lớn thành nhiều phần để dễ quản lý. Mỗi phần được bắt đầu với một “câu chủ đề” để độc giả nắm được phần này nói về vấn đề gì hoặc phần này kết nối với phần nội dung đã nói đến ở phần trước như thế nào. Mỗi phần có các nội dung thông tin như sau:

  1. (a) Bằng chứng (chi tiết, trích dẫn, thông tin và số liệu)
  2. (b) Định nghĩa hoặc giải thích
  3. (c) Bối cảnh, lịch sử, so sánh hoặc tương phản
  4. (d) Nhân – quả
  5. (e) Lập luận tán thành và phản đối
  6. (f) Phân tích hoặc nêu ra hậu quả

Các phóng viên làm việc cho các tờ nhật báo thường nhanh chóng bỏ đi thói quen thời thơ ấu khi vẫn phải lập dàn ý và viết truyện dưới dạng các đoạn văn. Lý do là vì các tờ báo hiếm khi đăng y nguyên các đoạn văn của bài viết gốc; các thư ký toà soạn sẽ chia nhỏ các đoạn này ra để thêm cách dòng, hoặc gộp các đoạn lại với nhau để tiết kiệm diện tích báo. Đừng bận tâm về điều đó. Đoạn văn là một khối lắp ráp căn bản của bài viết. Hãy lập dàn ý và viết thành các đoạn văn và sau đó để các thư ký toà soạn giải quyết các vấn đề về thiết kế-trình bày sau này.