1.1. Phóng viên điều tra có phải là thám tử?

1.1. Phóng viên điều tra có phải là thám tử?


Kỹ năng của một phóng viên và một thám tử có sự tương đồng. Mỗi phóng sự điều tra đều bắt đầu với một câu hỏi. Phóng viên bắt đầu hình thành một giả thuyết. Sau đó, phóng viên sẽ tiến hành nghiên cứu thông tin: lần theo hồ sơ giấy tờ, thực hiện các cuộc phỏng vấn, đôi khi những cuộc phỏng vấn giống thẩm vấn nhiều hơn, và tập hợp thật nhiều bằng chứng – một số bằng chứng có thể cực kỳ chi tiết hoặc mang tính kỹ thuật.

Các phóng viên áp dụng các tiêu chuẩn chính thức đối với những gì được sử dụng tại toà án và được coi là bằng chứng hợp lệ và cấu thành chứng cứ xác thực. Theo Luật chống xâm phạm danh dự, uy tín (Defamation Law), tiêu chuẩn đối với hoạt động điều tra và kiểm tra thông tin của phóng viên không khác nhiều so với tiêu chuẩn áp dụng cho thám tử thu thập thông tin cho một vụ án để đưa ra truy tố.

Nhưng có lẽ câu hỏi cơ bản được nêu ra ở đây là: “Liệu phóng viên điều tra có thể hành xử giống như thám tử bằng cách hoạt động bí mật và sử dụng các thiết bị như micro và máy quay nguỵ trang không?” Câu trả lời cho câu hỏi này phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Một số phóng viên làm như vậy, và nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng là nhờ sử dụng những kỹ thuật như vậy. Nhưng chúng ta nên ghi nhớ một điều rằng phạm vi hoạt động bí mật của thám tử, và quyền của công dân đang bị cảnh sát điều tra, lại thường được điều chỉnh theo khung pháp lý. Các nhà báo tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và không được miễn trừ khỏi luật về bí mật đời tư. Vì vậy, để đảm bảo đạo đức báo chí và tránh bị truy tố, các phóng viên điều tra cần cân nhắc cẩn thận từng tình huống trước khi họ hành động theo cách này. Máy ảnh và máy ghi âm nguỵ trang chỉ nhằm mục đích thu thập thông tin bổ sung cho các bằng chứng thô, không thể thay thế việc phân tích, kiểm tra và cân nhắc dựa trên bối cảnh đối với các bằng chứng này, để từ đó xây dựng một phóng sự có ý nghĩa. Có rất nhiều bằng chứng có thể tìm thấy trong các tài liệu cho phép tiếp cận tự do – chỉ cần bạn biết tìm chúng ở đâu và kết hợp chúng như thế nào.

Mặc dù công việc của phóng viên điều tra và thám tử có nhiều điểm tương đồng nhau nhưng mục tiêu cuối cùng của họ khác nhau. Đôi khi mục đích của điều tra báo chí không phải để chứng minh có tội mà chỉ đơn giản là cung cấp bằng chứng. Các thám tử thì dừng lại khi họ có thể chứng minh ai phạm tội. Cũng có những trường hợp, phóng sự điều tra không đưa ra kết quả là người làm sai bị kết tội, mà nó chỉ hé lộ ra góc khuất của sự việc. Bằng cách này, các phóng sự điều tra giải thích bối cảnh và sự tinh tế của một vấn đề thay vì chỉ đơn thuần là khẳng định ai đó có tội. Khi phóng sự đạt được đến độ sâu như vậy, các phóng viên điều tra có thể khiến độc giả không phải băn khoăn về tính khách quan của phóng sự.

Chắc chắn, làm báo điều tra, còn được gọi là “báo chí của sự phẫn nộ”, không nhằm mục đích tạo ra một báo cáo cân bằng giả tạo cho hai mặt của một vấn đề. Thay vào đó, phóng sự điều tra tập trung vào việc đảm bảo rằng sự vụ sẽ hiện diện trên mặt báo. Với phóng sự điều tra, phóng viên không thể đưa ra những tuyên bố từ chối trách nhiệm như “Chúng tôi có thể sai” hoặc “Chúng tôi có thể diễn giải sai sự việc”. Nếu vẫn còn những nghi ngờ như vậy, nghĩa là việc điều tra chưa đi đến tận cùng sự việc, và bài báo chưa sẵn sàng để đăng tải. Một sự việc không bao giờ chỉ có hai mặt. Và sự cân bằng trong một phóng sự điều tra được đảm bảo khi phóng viên giải thích các mặt của vấn đề và truyền tải đến công chúng những thông tin không chỉ là chuyện gì đã xảy ra mà cả tại sao chuyện đó lại xảy ra. Một thám tử sẽ để cho các luật sư bào chữa giải thích về các tình tiết giảm nhẹ; một phóng viên điều tra sẽ cần giải thích bối cảnh đầy đủ.

Ở một phương diện khác, các phóng viên điều tra cũng có vai trò như các nhà khoa học. Phương pháp của họ đòi hỏi phải giữ một tâm trí cởi mở cho đến khi họ thu thập đủ bằng chứng phục vụ cho một ý tưởng bài viết. Điều đó có nghĩa là phải tính đến trường hợp phóng viên thu về các bằng chứng mâu thuẫn lẫn nhau, và phải thay đổi kết luận về sự việc nếu có bằng chứng mở ra một hướng khác của câu chuyện. Phóng viên điều tra cũng là nhà quản lý. Trong các dự án lớn và dài hạn đòi hỏi phải nghiên cứu thông tin kỹ càng, các phóng viên cần phải phối hợp với các thành viên khác trong nhóm và các chuyên gia để bám sát kế hoạch bài viết. Muốn vậy, các thành viên cần có kỹ năng trao đổi thông tin một cách rõ ràng và làm việc nhóm.