Bạn không thể từ một ý tưởng mà ngay lập tức tiến hành điều tra được. Có ý tưởng mới chỉ là điểm khởi đầu. Các phóng sự điều tra mang một trách nhiệm xã hội nặng nề – và nhiều rủi ro pháp lý khác nhau – vì vậy bạn phải chắc chắn rằng phóng sự của mình được cân nhắc kỹ lưỡng, chính xác và toàn diện nhất có thể. Và bởi vì các phóng sự như vậy thường đòi hỏi nỗ lực của cả nhóm và các nguồn lực quan trọng nên bạn cũng cần đảm bảo việc trao đổi thông tin tốt. Chính vì vậy, bạn cần lập biểu đồ tiến độ thời gian để ghi rõ từng giai đoạn của phóng sự sẽ được triển khai thế nào.
Ý tưởng của bạn bắt nguồn từ đâu sẽ là một yếu tố định hình kế hoạch làm việc của bạn. Nếu ý tưởng đó xuất phát từ những quan sát của cá nhân bạn, hoặc từ bằng chứng qua các câu chuyện nghe kể lại thì bạn cần chắc chắn rằng những trải nghiệm cá nhân này đại diện cho một xu hướng hoặc một vấn đề rộng hơn. Nếu ý tưởng xuất phát từ một tin mật báo thì bạn phải kiểm tra tính xác thực, độ tin cậy và động cơ có thể có của nguồn tin trước khi bạn tiến hành triển khai. Nếu kiểm tra cho thấy nguồn tin của bạn không có vấn đề gì và những thông tin ban đầu không thể bác bỏ được thì giai đoạn tiếp theo là biến ý tưởng của bạn thành một giả thuyết ngắn gọn rằng cuộc điều tra của bạn sẽ để chứng minh hoặc xua tan nghi ngờ. Giai đoạn đầu của kế hoạch này không mang tính bất di bất dịch- cần đủ linh hoạt để ứng phó với thông tin và các góc độ mới có thể nảy sinh trong quá trình điều tra.
Thông thường, phóng sự sẽ bắt đầu với một ý tưởng bao trùm cho phép điều tra một loạt các chủ đề (có thể đến mức không thể quản lý được). Ông Thomas Oliver, cựu Thư ký toà soạn của tờ Atlanta Journal-Constitution lưu ý: “Các dự án phóng sự có xu hướng ôm đồm và nhiều khi trong một phóng sự nhưng phóng viên đưa tất cả mọi thứ mà công chúng muốn biết về một đối tượng. Đây là một điểm yếu chứ không phải điểm mạnh”.
Một phương pháp tốt để phát triển và hoàn thiện ý tưởng này là viết theo cách của bạn. Cố gắng viết ra một bản tóm tắt nội dung – chỉ cần là một đoạn mô tả xem phóng sự hoàn thiện sẽ như thế nào. Đây là một cách để khiến toà soạn có tư duy cởi mở đối với phóng sự và giúp bạn phác thảo trước các giải thích có thể có cho phóng sự. Làm như vậy cũng giúp bạn đánh giá xem phóng sự sẽ đạt hiệu quả nhất khi đóng khung ở góc độ địa phương, khu vực hay quốc gia. Ở giai đoạn này, bạn nên cân nhắc các câu hỏi sau:
- > Chuyện gì đang diễn ra? Tại sao độc giả của bạn nên quan tâm?
- > Có những ai liên quan đến sự việc này? Họ đã làm như thế nào? Hậu quả là gì?
- > Đã xảy ra sai sót gì? Xảy ra thế nào? Tại sao lại bị sai? Hậu quả là gì?
- > Ai sẽ được hưởng lợi hoặc ai sẽ chịu hậu quả nếu phóng sự được đăng? Liệu câu chuyện trong phóng sự có làm dấy lên cuộc tranh luận về các giá trị xã hội hoặc hành vi hay không? Liệu phóng sự có chỉ rõ các hệ thống hoặc các quy trình có sai sót hay không?
Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn suy nghĩ về cách kể câu chuyện trong phóng sự và xác định cách xử lý cuộc điều tra.
Ví dụ, trong trường hợp dịch tiêu chảy bùng phát mạnh sau khi dịch vụ cung cấp nước được tư nhân hóa, bạn có thể đóng khung phóng sự ở góc độ: người dân làm thế nào để có nước sinh hoạt khi họ không có tiền mua nước của công ty tư nhân – đưa câu chuyện trong phóng sự theo hướng phản ánh khả năng chi trả của người dân cho các dịch vụ thiết yếu. Hoặc bạn có thể đến thăm nhà máy nước để xem xét xem quy trình kiểm tra mức độ an toàn nước tại đó có được thực hiện đầy đủ không, từ đó làm rõ vấn đề cắt giảm quy trình khiến ảnh hưởng đến an toàn nước. Việc cân nhắc kỹ lưỡng những câu hỏi này giúp bạn nêu bật các nội dung phản ánh của phóng sự.
Việc đến nhà máy nước cũng giúp bạn xác minh xem liệu người dân có quan tâm đến đề tài này hay không, đồng thời loại bỏ những thông tin vu cáo đơn thuần. Bằng việc đóng khung phóng sự, bạn sẽ tránh được tình trạng sử dụng thuật ngữ mơ hồ khiến độc giả có thể diễn giải theo những cách khác nhau! Sau khi đã thu thập được tất cả các bằng chứng cần thiết, bạn sẽ có thể xem lại những câu hỏi này một lần nữa và điều chỉnh bài viết của bạn cho phù hợp.