Một điểm quan trọng nữa trong kế hoạch dự án của bạn là ngân sách thực hiện – cuộc điều tra của bạn sẽ cần bao nhiêu tiền và nguồn lực.
Một số đề mục ngân sách gồm có:
- > Chi phí đi lại – vé máy bay, thuê xe ô tô, chỗ ở, tiền ăn cho bạn và nguồn tin của bạn
- > Phí tư vấn, ví dụ phí dịch tài liệu, phí trả phiên dịch hoặc các nhà cung cấp dịch vụ khác
- > Chi phí liên lạc – hóa đơn điện thoại hoặc sử dụng Internet
- > Chi phí để thực hiện tìm kiếm thông tin lưu trữ hoặc công chứng tài liệu…
Nếu bạn đang làm việc trong một nhóm thì ngân sách có thể phải bao gồm cả chi phí cho các hội thảo hoặc các chuyến đi khảo sát thực tế
Các toà soạn trên khắp thế giới đang phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách. Khoản đầu tư mà các tờ báo lớn ở Mỹ dành cho các dự án điều tra có thể đủ để vận hành cả một toà soạn nhỏ ở một quốc gia đang phát triển trong một năm. Nếu bạn đang làm việc tại một toà soạn có nguồn lực eo hẹp thì lời khuyên cho bạn là hãy vận dụng trí sáng tạo để tìm các nguồn hỗ trợ khác. Một điểm khởi đầu tốt là các tổ chức tài trợ quốc tế. Đôi khi lĩnh vực quan tâm của họ lại trùng hợp với nội dung điều tra của bạn. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với các nhà tài trợ có động cơ riêng. Một giải pháp tiềm năng khác là gây quỹ cộng đồng. Việc gây quỹ cho các dự án báo chí điều tra đã trở nên phổ biến hơn, nhưng cũng có nghĩa là sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Bạn có thể tham khảo tổng quan về các chương trình học bổng tiềm năng và gây quỹ cộng đồng, cũng như các ví dụ về các dự án thành công tại đây:
- http://gijn.org/resources/grants-and-fellowships/
- http://gijn.org/resources/crowdfunding-for-journalists-2/
Hầu hết các phóng viên đều đồng ý rằng việc trả tiền cho nguồn tin của mình không phải là ý hay. Ma lực của đồng tiền có thể khiến các nguồn tin nói dối và phóng đại vấn đề. Thậm chí tệ hơn, các khoản thanh toán đó có thể phản tác dụng nếu các nguồn tin rút lại hoặc không thừa nhận các phát ngôn trước đó của họ. Vùng xám này của phạm trù đạo đức có thể khiến danh tiếng của bạn bị đảo lộn, hoặc khiến kỹ năng điều tra của chính bạn bị nghi ngờ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một khoản thanh toán sẽ mang tính chất để bù đắp cho thời gian hoặc chi phí đi lại mà nguồn tin đã phải bỏ ra. Nhưng kể cả như vậy, cả hai phía đều phải hiểu rõ với nhau rằng khoản thanh toán đó trả cho mục đích gì và chỉ ở mức theo quy định. Bạn cần nói rõ với các nguồn tin rằng những gì họ đang làm không phải là gia ơn cho cá nhân bạn hay tờ báo của bạn mà họ đang giúp đỡ một cộng đồng người dân đang bị ảnh hưởng, hoặc rộng hơn nữa là đang giúp đỡ xã hội.
Mua chuộc một quan chức để được truy cập thông tin cũng là một việc làm gây tai tiếng. Nhưng ở một số nơi, chính các quan chức, công chức đã tạo ra văn hóa đòi hỏi những ân huệ nhỏ (ví dụ: một chầu đồ uống nhẹ) như cái giá cho mọi việc họ làm – kể cả chỉ việc tiếp đón bạn tại văn phòng của họ vào buổi sáng! Trong những môi trường như vậy, có thể bạn sẽ chẳng làm được việc gì nếu không chịu “bôi trơn”cho bộ máy công quyền. Tuy nhiên, bạn có nguy cơ thỏa hiệp toàn bộ cuộc điều tra của mình chỉ vì những khoản chi tầm thường này. Cho dù các khoản này nhỏ và bình thường thế nào thì việc bạn trả tiền cho nguồn tin vẫn bị coi là hối lộ nếu thông tin này đến tai lãnh đạo báo của bạn hoặc các tờ báo đối thủ. Một chiến lược để đối phó với các yêu cầu kiểu này là hãy tự cân nhắc xem sau này khi vấp phải sự chất vấn của độc giả thì bạn có thể biện minh cho từng khoản thanh toán đó không. Cách tốt nhất trong mọi tình huống vẫn là cố gắng và đảm bảo sự hợp tác với các nguồn tin bằng cách giải thích tầm quan trọng của công việc và xây dựng phe đồng minh của bạn chứ không phải là dựa vào tiền “bôi trơn” và các mối quan hệ giao dịch thuần túy khác.