Mục tiêu là để nhận được câu trả lời bạn muốn
Mục tiêu của bạn luôn luôn là để có được câu chuyện, không phải để “chiến thắng”. Hãy duy trì một lập trường bình thản, không phô trương, không vội vàng. Mục tiêu chính của các cuộc phỏng vấn luôn luôn là để có được thông tin và câu trả lời – câu hỏi của bạn chỉ đơn giản là một phương tiện để đạt được mục đích. Bất kỳ tín hiệu cảm xúc nào bạn phát ra – nhướn lông mày, nhún vai, mỉm cười – đều có thể lọt vào mắt của người đối diện. Bạn là một người bình thường nên điều này có thể phản ánh phản ứng của bạn. Và trên TV, một gương mặt không cảm xúc như một phiến gỗ sẽ khiến chương trình truyền hình trở nên nhàm chán. Nhưng hãy cẩn trọng và nhận thức rõ ranh giới. Một sự bộc phát sẽ khiến các nguồn tin nhớ rằng những gì họ nói ‘đang bị phán xét” và có thể khiến họ đề phòng hơn trong các phản hồi của mình. Việc khiêu khích có thể dẫn đến những tranh cãi kịch liệt hoặc người được phỏng vấn bỏ ra ngoài, và bạn sé không thu được kết quả gì; sự gây hấn của bạn sẽ được coi là không phù hợp và chỉ làm xấu hình ảnh của bạn. Cố gắng giữ câu trả lời của bạn theo đúng chủ ý chứ không tự phát. Hãy nhớ rằng, việc kích động một cuộc tranh cãi chỉ giúp cho người được phỏng vấn không phải trả lời câu hỏi của bạn.
Vào thẳng vấn đề
Các câu trả lời của nguồn tin quan trọng hơn các câu hỏi quanh co của bạn vì vậy đừng lan man và đừng ngắt lời người nói. Một chính trị gia hoặc doanh nhân giàu kinh nghiệm có lẽ đã thực hiện hàng trăm hoặc hàng ngàn cuộc phỏng vấn. Thời gian của họ là quý giá, và nếu họ muốn tránh câu hỏi thì họ sẽ làm như vậy. Họ hiểu rằng nếu bạn thành công trong việc phơi bày những vấn đề mà chính họ đứng sau thì họ sẽ mất uy tín, vị thế, tiền bạc và đôi khi cả sự nghiệp. Hãy suy xét tình huống và nhân vật, và nếu thấy kế hoạch đặt câu hỏi mềm mỏng không hiệu quả thì nên thay đổi lại câu hỏi. Nếu câu trả lời của họ khó hiểu thì hãy diễn đạt lại câu hỏi của bạn và hỏi lại. Một số nguồn tin cần sắp xếp lại suy nghĩ của họ và sẽ vui lòng thử lại. Lắng nghe cẩn thận câu trả lời – câu trả lời đó có thực sự trả lời câu hỏi của bạn hay không? Nếu không, bạn phải hỏi lại lần nữa. Để có thể chắc chắn về những điều nguồn tin của bạn chia sẻ, bạn có thể nhắc lại câu trả lời của họ để họ xác nhận(“Như vậy, điều ông/bà vừa nói là…”)
Có câu trả lời đầy đủ
Khi người được phỏng vấn không muốn đưa ra câu trả lời chính xác, họ có thể sử dụng các từ như “gần đây”, “một số ít”, “nhiều”, hoặc “một hành động quyết đoán”. Trong những trường hợp đó, bạn nên đặt câu hỏi mở rộng để gợi ra những câu trả lời cụ thể hơn, chẳng hạn như “Khi nào?”, “Bao nhiêu?”, “Ông/bà có thể đưa ra con số ước tính được không?”, “Chính xác là ông/bà sẽ làm gì?”
Tương tự như vậy với các câu trả lời đóng. Câu trả lời “Có” hoặc “Không” có thể được nguồn tin sử dụng để kết thúc một loạt câu hỏi. Đôi khi bạn sẽ muốn biết thêm thông tin, và để làm như vậy thì bạn phải tiếp tục với các câu hỏi mở:
Bạn: Ông/bà đã ký hợp đồng?
Người được phỏng vấn: Tôi ký rồi.
Bạn: Ông/bà có thể giải thích động cơ của mình khi làm như vậy là gì ạ?
Phân tích kỹ từng câu trả lời trước khi bạn tiếp tục. Những người được phỏng vấn có kỹ năng có thể cung cấp cho bạn câu trả lời có vẻ giống như những gì bạn muốn nghe, nhưng khi bạn đọc lại ghi chép của mình, bạn có thể thấy rằng họ đã né tránh câu hỏi.
Bạn: Ông/bà đã chuyển thuốc đến phòng khám ở Quận X chưa?
Người được phỏng vấn: Tất nhiên tất cả các thủ tục cần thiết cho phòng khám đó đã được tuân thủ.
Câu trả lời này nghe có vẻ như là có, nhưng bạn không nhận được thông tin trực tiếp mà bạn đã hỏi. Bạn cần tiếp tục với câu hỏi: “Những loại thuốc nào đã được chuyển đi?”, “Số thuốc đó được chuyển đi vào ngày nào?”, Ông/bà có xác nhận nào nói rằng thuốc đã được chuyển đi không?”, “Ông/bà có xác nhận nào nói rằng số thuốc này đã đến nơi không?”. Nếu bạn không hiểu câu trả lời của nguồn tin thì hãy nói rằng bạn không hiểu câu trả lời. Thừa nhận sự lúng túng của bản thân tốt hơn là giả vờ hiểu chỉ để đỡ ngượng. Bạn có thể nói: “Độc giả hoặc khán giả của chúng tôi có thể không hiểu điều đó. Ông/bà có thể giải thích lại bằng thuật ngữ đơn giản hơn không?” Một cách khác là sử dụng kỹ thuật diễn đạt lại câu hỏi: “Nếu tôi hiểu đúng những điều ông/bà vừa nói, thưa bộ trưởng, thì ông/bà vừa nói là….. có đúng như vậy không ạ?”
Giấy tờ và Giấy giới thiệu
Hãy đảm bảo bạn có trong tay bản sao của bất kỳ thông cáo báo chí, tài liệu, nghiên cứu hoặc hình ảnh nào liên quan đến cuộc phỏng vấn của bạn. Đây sẽ là tài liệu tham khảo cho bạn trong trường hợp người được phỏng vấn có phát ngôn gì đó bất ngờ. Giữ máy ghi âm và bộ não của bạn luôn trong trạng thái thường trực. Hai yếu tốt này sẽ giúp bạn ghi nhận tất cả các sự kiện sau khi kết thúc cuộc thảo luận. Nếu được, hãy xin phép được hỏi các câu hỏi mở rộng sau cuộc phỏng vấn
Đừng để những lời tâng bốc đánh lừa
Đây là một cuộc phỏng vấn chứ không phải là chỗ kết tình hữu nghị. Bạn ở đó để khám phá thông tin chứ không phải để được chiếu cố. Khi ai đó nói với bạn: “Đây là một câu hỏi rất sâu sắc” không có nghĩa là họ đang khen ngợi bạn – đó chỉ là một cách nói để họ có thêm thời gian suy nghĩ về câu trả lời của họ.
Sau cuộc phỏng vấn điều tra, hãy cho nguồn tin một cơ hội để trút giận. Trong rất nhiều trường hợp, bạn sẽ bất ngờ bởi việc này giúp bạn hiểu thêm được nhiều điều. Sau đó, bạn hãy hỏi xem họ có điều gì cần hỏi lại bạn không – hành động này vừa thể hiện phép lịch sự vừa là cơ hội cuối cùng để bạn giải thích cho họ về việc phóng sự sẽ được đưa như thế nào và vào khi nào. Luôn kết thúc cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi: “Còn điều gì khác tôi nên hỏi ông/bà không?” hoặc “Ông/bà còn muốn bổ sung thêm điều gì không?”
Tận dụng phần kết của cuộc phỏng vấn
Thông thường, sẽ luôn có một khoảnh khắc vào cuối cuộc phỏng vấn khi nguồn tin trở nên thoải mái hơn và không còn cảnh giác như lúc đầu. Hãy tận dụng thời gian này để kiểm tra lại tất cả các thuật ngữ, tiêu đề hoặc tên người xuất hiện trong cuộc phỏng vấn. Luôn luôn xin số điện thoại/e-mail trong trường hợp bạn muốn làm rõ một số thông tin sau đó và gửi lại thông tin liên lạc hoặc danh thiếp của bạn cho người được phỏng vấn. Đừng quên thể hiện phép lịch sự sau cùng. Hãy cảm ơn họ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Điều này rất quan trọng, kể cả trong trường hợp bạn bị cự tuyệt và bị xúc phạm. Cố gắng thể hiện là bạn thực sự đánh giá cao việc họ đã sẵn lòng trao đổi với bạn.
Nếu cuộc phỏng vấn được dùng để giúp bạn nắm được thông tin cơ bản, hoặc đã diễn ra một cách thân thiện, bạn hãy hỏi xem họ có thể đề xuất các nguồn tin khác giúp bạn hiểu sâu hơn sự việc khay không. Nếu bạn có thể sử dụng tên của người được phỏng vấn là người làm chứng rất có thể những cảnh cửa mới sẽ mở ra cho bạn.
Cam kết
Đừng để việc sửa soạn dụng cụ tác nghiệp và ra về vào những phút cuối khiến đầu óc bạn lấn bấn dẫn đến việc đồng ý để nguồn tin được xem phóng sự trước khi đăng. Hãy dừng lại và giải thích rõ ràng: “Tôi xin phép được thành thật là ông/bà nên liên hệ với tổng biên tập của tôi nếu ông/bà muốn trao đổi về việc đó. Đây là thông tin của ông/bà ấy”. Những nguồn tin đã có kinh nghiệm làm việc với báo chí sẽ luôn tận dụng những phút cuối của cuộc phỏng vấn khi phóng viên đang trong tình trạng vội vã để đưa ra những yêu cầu như vậy nên bạn phải rất cảnh giác
Kiểm tra và xác minh nội dung ghi chép ngay sau cuộc phỏng vấn
Đọc lại phần ghi chép của bạn ngay khi bạn rời khỏi cuộc phỏng vấn. Đây là thời gian mà bộ nhớ ngắn hạn của bạn hoạt động hiệu quả nhất. Nếu gác việc này lại đến ngày hôm sau thì bạn có thể sẽ không còn nhớ những nét vẽ nguệch ngoạc trong sổ tay thực sự có nghĩa là gì, hoặc quên mất là mình cần kiểm tra lại những điều gì ngay lập tức. Điền vào các khoảng trống trong sổ ghi chép của bạn và ghi rõ những phần bạn có thể cần sắp xếp các cuộc phỏng vấn tiếp theo.