2.1. Các quy tắc cơ bản trong phỏng vấn

2.1. Các quy tắc cơ bản trong phỏng vấn


Có mặt đúng giờ

Nếu bạn đến muộn, bạn sẽ bị mất thiện cảm của nguồn tin, mất thời gian, lãng phí thời gian để xin lỗi và có thể khiến những giây phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn trở nên ngột ngạt và không thể tập trung.

Trang phục phù hợp

Mặc dù các quy tắc ăn mặc đã trở nên thoải mái hơn trước đây, nhưng chắc chắn bạn không muốn bị mất thiện cảm của nguồn tin từ ấn tượng đầu tiên. Hãy lựa chọn trang phục phù hợp với bối cảnh, thể hiện sự tôn trọng hợp lý và đủ trung lập để không tạo ra một hàm ý gì về lối sống hoặc quan điểm của bạn.

Lựa chọn chỗ ngồi

Nếu cần thiết, hãy lấy lý do là để thuận tiện cho việc sắp xếp thiết bị ghi âm (ví dụ: “Micro sẽ thu âm tốt hơn khi được đặt ở đây…). Bạn cần chọn vị trí khiến bạn có thể duy trì giao tiếp bằng mắt với người được phỏng vấn, nhưng ngồi đối diện trực tiếp có thể cảm thấy quá đối kháng. Thay vào đó, hãy ngồi chếch người trả lời một góc khoảng 45 độ. Tránh không để các vật cản giữa hai người, chẳng hạn như chồng sách hoặc máy tính xách tay để mở. Ghế sofa mềm sẽ khiến người ngồi trên đó khó viết và thấy thoải mái quá.

Duy trì giao tiếp bằng mắt hợp lý

Cuộc trò chuyện sẽ tốt hơn nếu bạn có thể nhìn thấy nét mặt của người đối diện. Có thể khi bạn phải ghi chép thì việc này sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên hãy nhớ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lên và luôn luôn nhìn người đối diện khi bạn đặt câu hỏi. Nếu bạn chỉ đọc các câu hỏi đã soạn sẵn thì sẽ khiến người được phỏng vấn nghĩ là bạn chưa quen công việc phỏng vấn, không tự tin, không thực sự chú ý đến những gì người đó đang nói. Việc này có thể khiến người được phỏng vấn coi là một dấu hiệu của sự thô lỗ và họ sẽ không nhiệt tình trả lời.

Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể

Các cử chỉ và tư thế phòng thủ có thể là chỉ dấu của sự trốn tránh và là manh mối tốt để bạn hỏi dồn dập hơn. Bạn cũng nên để ý các dấu hiệu khi nguồn tin của bạn có vẻ bị tổn thương, cảm thấy nhẹ nhõm, hài hước, tức giận hoặc chán nản để bạn tiếp tục trao đổi hoặc thay đổi cách tiếp cận.

Được hay không được công khai thông tin

“Được công khai thông tin” có nghĩa là bạn có thể sử dụng tất cả thông tin mà nguồn tin chia sẻ với bạn. “Không được công khai thông tin” nghĩa là bạn chỉ có thể sử dụng thông tin theo cách không tiết lộ danh tính nguồn tin. Và “chỉ dùng thông tin để hiểu bối cảnh” có nghĩa là hoàn toàn không được phép dùng thông tin này; nghĩa là thông tin này chỉ để giúp bạn hiểu rõ bối cảnh. Các quy ước “được và không được công khai thông tin” này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng đó là phép lịch sự thông thường giữa phóng viên và nguồn tin.

Hãy xác nhận với nguồn tin của bạn về việc cuộc phỏng vấn này (hoặc một phần nào đó) được hay không được công khai thông tin. Đảm bảo nguồn tin “đồng ý sau khi được giải thích” với việc công bố những phóng sự có chủ đề nhạy cảm. Nếu là cuộc phỏng vấn không chính thức thì bạn hãy lựa thời điểm để lấy sổ tay hoặc máy ghi âm ra và hỏi: “Ông/Bà có phiền nếu tôi ghi âm/hoặc ghi chép lại cuộc thảo luận này không ạ?” Nếu là cuộc phỏng vấn chính thức, cần tiến hành nhanh và sử dụng thời gian hiệu quả. Cần nhớ rằng việc ghi âm hoặc ghi chép sổ sách sẽ khiến các nguồn tin cảm thấy e sợ. Không giấu diếm các thiết bị ghi âm, nhưng cố gắng viết hoặc ghi âm sao cho nguồn tin không cảm thấy mất thoải mái. Nếu nguồn tin thắc mắc về việc này thì bạn hãy giải thích rằng bạn làm như vậy để có thể đưa thông tin một cách chính xác nhất có thể.

Luôn luôn ghi chép

Ghi chép giúp bạn tập trung và cho phép bạn ghi lại cử chỉ, mô tả môi trường xung quanh và biểu cảm mà máy ghi âm có thể không ghi lại được. Bản ghi chép cũng là một bản sao lưu trong trường hợp có bất cứ vấn đề gì xảy ra với bản ghi âm. Hãy ghi chép chính xác và phân biệt giữa các câu trích dẫn với những quan sát và phân tích cá nhân của bạn.

Đặt câu hỏi trung lập, câu hỏi mở

Hãy áp dụng lời khuyên của các nhà tâm lý học. Tránh những câu hỏi tiết lộ cảm giác của bạn về câu trả lời – tránh những câu hỏi như: “Chẳng phải đây chính là một sự lạm dụng quyền lực khủng khiếp hay sao?” và thay vào đó hãy hỏi: “Ông/Bà cảm thấy thế nào về việc sử dụng quyền lực theo cách này?” Bạn có thể tìm cách để hiểu về động cơ của nguồn tin nhưng câu hỏi “Tại sao” một cách trực tiếp có thể bị nhìn nhận như lời buộc tội hoặc hoài nghi. Vì vậy, hãy hỏi những câu “Tại sao” một cách gián tiếp. Thay vì hỏi: “Tại sao các phóng sự báo chí khiến ông/bà nổi giận?” thì hãy hỏi: “Ông/Bà nói những phóng sự báo chí này khiến ông/bà cảm thấy tức giận. Xin ông/bà hãy nói rõ hơn về điều đó.”

Im lặng không phải là không tốt

Hãy để nguồn tin trả lời câu hỏi của bạn, sau đó tạm dừng trước khi chuyển sang câu hỏi tiếp theo. Bạn không cần phải lấp đầy mọi khoảng thời gian trống trong cuộc trò chuyện. Nếu người được phỏng vấn cần thời gian để suy nghĩ về một câu trả lời, hãy để họ thoải mái; nếu họ cần thời gian để phục hồi cảm xúc, chỉ cần lặng lẽ chờ đợi trước khi hỏi: “Chúng ta có thể tiếp tục được chưa ạ?”

Thể hiện sự quan tâm và thực lòng quan tâm

Trong thời gian phỏng vấn, bạn nên giữ trạng thái liên tục tương tác với những gì nguồn tin chia sẻ với bạn. Ghi lại câu trả lời vào sổ tay của bạn và dựa vào đó để đặt các câu hỏi mở rộng. Hãy tự hỏi: Đây có phải là câu trả lời tôi muốn nghe không? Tôi có hiểu điều này không? Tôi sẽ sử dụng thông tin này như thế nào? Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, có thể rất khó để có lần tiếp theo. Nếu bạn đã thực hiện nghiên cứu của mình nhưng nguồn tin lại không cho bạn biết những gì bạn đã mong đợi thì đừng hoảng sợ – hãy từ bỏ hoặc thay đổi chủ đề – hãy linh hoạt. Hãy đáp lại các quan điểm mới của họ và đặt các câu hỏi mở rộng. Đừng cố gắng để gò ép nguồn tin vào một phóng sự định khuôn sẵn. Sự ngạc nhiên có thể là yếu tố mang lại cho bạn một phóng sự tốt hơn dự định ban đầu. Nếu không, bạn có thể quay lại chủ đề ban đầu sau đó. Không được gây hấn với nguồn tin của bạn, ngay cả khi cuộc phỏng vấn không diễn ra tốt như bạn hy vọng hoặc người được phỏng vấn cư xử thô lỗ.

Tôn trọng thời gian

Để ý đồng hồ, đẩy nhanh các câu hỏi và khi đã hết thời gian như thoả thuận, bạn hãy hỏi: “Ông/Bà có thời gian cho X câu hỏi nữa không?”

Khi bạn kết thúc cuộc phỏng vấn, hãy xác nhận với người được phỏng vấn những bước tiếp theo. “Phóng sự sẽ được đăng vào thứ Năm”. Nhưng đừng đưa ra những lời hứa hẹn mà bạn không thể thực hiện, chẳng hạn như hứa rằng họ có thể xem phóng sự trước khi đăng.

Đưa đúng nội dung câu chuyện

Các phóng viên giỏi sẽ sử dụng tài liệu của nguồn tin cung cấp một cách trung thực. Rõ ràng, bạn không nên nói dối về những gì họ đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. Bạn cũng không thể thay đổi ý nghĩa của một câu hỏi hoặc câu trả lời sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc bằng cách tách lời người nói ra khỏi bối cảnh. Đặc biệt cẩn trọng khi bạn phải thay đổi trình tự của các câu trả lời trong cuộc phỏng vấn ban đầu. Việc sắp xếp lại một cách vụng về sẽ dễ khiến sự thật bị bóp méo. Hãy kể câu chuyện của bạn, sau đó đưa ra câu trả lời cho những vấn đề được công chúng quan tâm trong phóng sự. Công chúng là những người thông minh; họ sẽ biết đâu là sự thật.