2.2. Xử lý những chuyện “ngồi lê đôi mách” và tin đồn

2.2. Xử lý những chuyện “ngồi lê đôi mách” và tin đồn


Không có phương tiện truyền thông nào tạo ra những câu chuyện truyền miệng nơi phố thị giỏi hơn những chiếc “đài phát thanh vỉa hè”, những câu chuyện “ngồi lê đôi mách” và những giai thoại lan truyền chóng mặt về những người bán hàng trên phố, những người lái xe taxi và hành khách, nhân viên phục vụ trong sân gôn, bạn bè hoặc nhân viên của các chính trị gia, cảnh sát và người môi giới nhà đất, các ông chủ quán bar và quán cà phê. Mặc dù hầu hết những lời đồn đại đều là tin giả, nhưng những tin đồn như vậy đều có tác dụng là cho chúng ta thấy được những xu hướng và sự thay đổi thực sự nếu chúng được xem xét bằng con mắt lành nghề . Sự mất tích gần đây của một số cô gái có phải là đầu mối thông tin về một mạng lưới buôn người bí mật? Có phải người dân bắt đầu lạm dụng một loại bia tự ủ mới? Có phải một doanh nhân nổi tiếng đột nhiên ngừng tiêu pha, hay một cảnh sát ưu tú bắt đầu giao lưu với giới thượng lưu tội phạm? Những “chiếc đài phát thanh vỉa hè” sẽ cho bạn biết về tất cả những diễn biến này, nhưng các nhà báo nên tự hỏi tại sao mọi người tin “đài phát thanh vỉa hè”. Kênh thông tin này cho chúng ta biết những gì về thời đại hay đất nước chúng ta đang sống?

Như thường lệ, bước đầu tiên là xác nhận độ chuẩn xác của tin đồn. Kiểm tra với các nguồn tin biết rõ vấn đề. Sau đó, thu thập càng nhiều thông tin chính thức càng tốt, như kiểm tra với đồn cảnh sát địa phương để lấy báo cáo về các cô gái mất tích, hoặc kiểm tra với các bác sĩ về các trường hợp lạm dụng rượu. Hỏi nhân viên xem doanh nghiệp của họ đang làm ăn kinh doanh ra sao và hỏi các nhà phân tích tài chính về xu hướng thị trường. Khi một tin đồn được chứng minh là có cơ sở thì bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch để phơi bày thông tin nhiều hơn.