Nhiều phóng sự phanh phui những hành động sai trái bắt đầu từ một tin mật báo. Ví dụ, một mối liên hệ trong đồn cảnh sát biết về một vụ ăn trộm ô tô có liên quan đến một uỷ viên hội đồng. Một người vợ cũ, để trả thù, đã gọi điện thoại cho tờ báo mà cô đặt mua dài hạn để tố cáo chồng cũ trốn thuế. Một chính trị gia nói với một tổng biên tập thân thiết về mối quan hệ ‘cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa một công ty tham gia đấu thầu một hợp đồng với chính phủ và một thành viên của Ban đấu thầu.
Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như những gì chúng ta thấy. Tin mật báo có thể không đúng sự thật hoặc được bịa ra để bẫy một ai đó vào tròng. Tin mật báo được tạo ra để phục vụ cho kế hoạch của một ai đó. Và tin mật báo cũng rất có thể là cuộc chơi của những người nắm quyền lực đang cố gắng để biến toà soạn của bạn thành công cụ phục vụ mục đích của họ. Cần áp dụng những quy tắc tương tự như quy tắc xác minh tin đồn. Tuy nhiên, khi đánh giá tin mật báo, bạn còn phải tự hỏi mình các câu hỏi sau:
- > Đây có phải là một chủ đề mà tôi sẽ viết kể cả nếu tôi không nhận được tin mật báo này?
- > Là vấn đề tôi luôn thiết tha mong được phản ánh?
- > Sự thật đã được phanh phui trong trường hợp này có thực sự vì lợi ích công hay không?
Nếu bạn có thể trả lời ‘Có” cho cả ba câu hỏi thì hãy tiến hành.
Tham nhũng – hai mặt của một vấn đề
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc phơi bày thêm một cá nhân bị cáo buộc tham nhũng có thể không có tác động lớn đến công bằng xã hội, như trong trường hợp các ví dụ về thành viên ban đấu thầu và người chồng cũ bị cáo buộc trốn thuế. Đây có nhiều khả năng là trường hợp xảy ra ở các quốc gia mà tham nhũng và trốn thuế rất phổ biến trong các hệ thống nhà nước và một số tổ chức xã hội. Nhiều nhà báo lập luận rằng việc vạch trần một người làm sai sẽ khiến những người khác có thể sợ hãi và kiềm chế việc làm sai trái của họ. Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đạt được tiến bộ. Việc này có phần đúng như vậy. Và bởi vì những việc làm sai trái này đều có liên quan đến khoản tiền nộp thuế của người dân nên họ có quyền được biết. Tuy nhiên, việc có báo chí phanh phui một cá nhân tham nhũng ít có tác động đến tình trạng tham nhũng có hệ thống, như nhiều ví dụ khác đã cho thấy. Khi tham nhũng đã ăn sâu vào tất cả các cơ cấu và các thương vụ- và đôi khi ngay cả trong các cơ cấu vốn được tạo ra để chống tham nhũng – thì người dân thường không chú ý đến những vụ việc thế này và chỉ hỏi “Có chuyện gì mới không?”
Nhưng nếu các phóng viên có thể dùng một trường hợp tham nhũng để chỉ ra các lỗ hổng còn tồn tại trong hệ thống tạo điều kiện cho trốn thuế và hối lộ dễ dàng hơn thì phóng sự đó có tác động lớn hơn và khiến các đảng phái khó khăn hơn trong việc giấu nhẹm mọi chuyện